Nếu mà không Quan họ, Bắc Ninh ơi có buồn? Một câu hỏi được thốt lên bằng tình yêu, sự mến mộ dành tặng Quan họ, không cần có câu trả lời, bởi “nếu không Quan họ, đâu còn là Bắc Ninh!?”.
Bắc Ninh-Kinh Bắc, miền đất cội nguồn của văn hóa Việt, nơi có “những dòng sông bên lở, bên bồi”, có bóng dáng của những người mẹ quanh năm tảo tần với bánh đa, bánh đúc để dệt nên những “thảo thơm, đồng xanh, trái ngọt”; có những liền chị cầu Lim, liền anh Khúc Toại đẹp nết, đẹp người, đẹp cả lời ăn tiếng nói... Nơi đây chính là “chiếc nôi ngàn câu Quan họ” mà cộng đồng các thế hệ người dân Kinh Bắc đã trở thành tác giả nổi tiếng.
Ngoài Quan họ, Bắc Ninh còn vô vàn nét đẹp văn hóa truyền thống khác với đậm đặc di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa; với những làng nghề thủ công, kho tàng truyền thuyết, huyền thoại, thơ ca, hò vè; với phong phú loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống: Ca trù, múa rối nước, hát trống quân, tuồng, chèo... Song Quan họ trở thành nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, kết tinh phẩm chất anh hùng và trữ tình của con người nơi đây. Dân ca Quan họ phản ánh đầy đủ và sâu sắc những mối quan hệ đặc thù của người Kinh Bắc-Bắc Ninh. Đó là mối quan hệ giữa người với người trong một cộng đồng làng xã và giữa các làng xã với nhau. Quan họ tôn vinh những giá trị tinh thần cao quý với niềm khát khao vươn tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ.
Đến với Quan họ, ai cũng cố gắng mặc đẹp, nói hay, ứng xử tao nhã, tấm lòng rộng mở, tâm hồn thăng hoa. Họ đến với nhau vì say câu ca giọng hát, vì phục tài mến đức nhau. Người Quan họ kết bạn và thề nguyền sẽ hát với nhau từ xuân này sang xuân khác. Tình bạn trong sáng, ân nghĩa thủy chung như nhất, phụng sự nghệ thuật và coi nhau như anh em một nhà. Và khi đã là anh em một nhà thì không được lấy nhau, luôn tôn trọng, quý mến, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Chính những quy định nghiêm ngặt này khiến cho Quan họ được nâng lên thành một sinh hoạt nghệ thuật thanh cao, lý tưởng, vượt lên trên tình cảm trai gái thông thường. Nhiều đôi hát đã trở thành bạn tâm giao, tri kỷ, thân thiết với nhau suốt đời.
Liền anh, liền chị Quan họ. Ảnh CTV. |
Quan họ ngoài vẻ đẹp của lời ca, giọng hát, lề lối giao tiếp ứng xử, phục trang... còn mang vẻ đẹp của sự bình đẳng và tính tập thể đậm nét. Nghĩa là, bên cạnh tính quy ước, lề lối một cách chặt chẽ, nghiêm cẩn thì sinh hoạt văn hóa Quan họ còn mang vẻ đẹp của sự bình đẳng, của cộng đồng tập thể. Sự đoàn kết, ân nghĩa thủy chung, quý trọng tình nghĩa - “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm” chính là triết lý nhân sinh mang giá trị nhân loại và vĩnh cửu.
Trên đất Kinh Bắc-Bắc Ninh, Quan họ đã trở thành thứ “âm nhạc cuộc đời” của nhiều liền anh, liền chị. Có lẽ chưa ở đâu mà hàng trăm người già “ham chơi” và say mê ca hát như ở vùng Quan họ. Những liền anh, liền chị ngoài 50, 60 tuổi vẫn say sưa hát thâu đêm, hát cho “tàn canh mãn võ”, cho “tàn đêm rạng ngày”. Lòng ham thích biến thành tình yêu gắn bó máu thịt vẫn không ngừng chảy trong từng đường gân, mạch máu các cụ cả khi tuổi đã “gần đất xa trời”... Người già truyền lan sang người trẻ, bà dạy cháu hát, mẹ dạy con gái con trai, cả mẹ chồng cũng dạy nàng dâu hát... Nam thanh nữ tú yêu thích và chăm chỉ học Quan họ ngày càng nhiều. Chưa có nơi đâu mà ông bà, bố mẹ khuyến khích con cái học hát rồi tự hào, vui sướng, hãnh diện khi thấy con hát hay, hát giỏi như các bậc phụ huynh ở vùng Quan họ. Niềm yêu say ấy khiến người lạ, khách đường xa đến Bắc Ninh không sao hiểu nổi!
Các nghệ nhân nơi đây cũng chưa bao giờ từ chối việc dạy hát cho người khác, bất kể là con cháu ruột thịt hay người trong xã, ngoài làng, thậm chí là người thiên hạ phương xa đến xin câu, luyện giọng. Cứ đụng đến chuyện Quan họ là dứt không ra, các cụ vừa kể vừa hát tự nhiên như nói chuyện. Miền quê mến yêu này, người ta cũng không gọi du khách là ông này, bà kia mà gọi là “người”- một đại từ phiếm chỉ sang trọng, lịch lãm: “Nghĩa người em để trong cơi/Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm”, “Người buông vạt áo em ra”, “Người về em dặn câu này”, “Người ơi người ở đừng về”, “Người ơi đến hẹn lại lên”…
Có nhà nghiên cứu cho rằng, bản sắc văn hóa, nhất là âm nhạc, nghệ thuật truyền thống giống như nguồn sữa mẹ. Muốn người khác, đặc biệt là người nước ngoài trân trọng chúng ta thì trước hết, chính chúng ta phải tự hào, phải trân trọng, phải hiểu, phải yêu những di sản của cha ông mình. Khi đó, ta mới có thể nói được với bạn bè quốc tế về những giá trị mà chúng ta đang có.
Để hiểu và để yêu luôn cần một quá trình rất dài và rất lâu. Song nếu mỗi chúng ta đều ý thức được những khoảng trống cần lấp đầy trong tâm hồn mình và nhận thức rằng việc giữ gìn nguồn cội quê hương là bổn phận và trách nhiệm, thì nhất định dòng mạch Quan họ ngọt lành sẽ ngày càng đẹp hơn, hay hơn. Khi ấy, sức hút của Quan họ với công chúng khắp hành tinh sẽ không còn là một giấc mơ...
Tạp văn của Thanh Lâm
(Nguồn: baobacninh.com.vn)