(Báo Quảng Ngãi)- Người dân ở đội 3, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) xem cánh rừng ở địa phương như tài sản quý, nên chung tay gìn giữ. Dưới tán rừng là miếu Ông - nơi người dân kính cẩn thờ phụng Thành hoàng làng hơn trăm năm.
Những ngày chớm đông, chúng tôi men theo những con hẻm ngoằn ngoèo, nhà nối tiếp nhà, ở đội 3, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông để đến núi Sừng Trâu - một ngọn núi nhỏ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc.
Khu rừng lâu năm bao bọc xung quanh miếu Ông, được người dân gìn giữ. |
Phần lớn diện tích núi Sừng Trâu được phủ xanh bởi cây gừng, cây nghệ và keo lai, bạch đàn thì ở bìa rừng vẫn còn một khoảnh rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ lâu năm như kơ nia, mù u, dương liễu... Dưới tán rừng là ngôi miếu cổ được người dân kính cẩn gọi tên là miếu Ông và nhang khói quanh năm.
Được người dân đội 3 tín nhiệm giao trọng trách làm chủ bái - người chủ trì tế lễ tại miếu Ông, ông Phạm Muộn chia sẻ, nghe các thế hệ đi trước kể lại rằng, miếu Ông ở chân núi Sừng Trâu đã có từ rất lâu đời, là nơi thờ Thành hoàng làng - vị thần bảo trợ, che chở cho làng. Còn khoảnh rừng bao bọc xung quanh ngôi miếu cổ được người dân xem là rừng thiêng, là cấm rừng, nên cả làng cùng chung tay bảo vệ. Người dân thuộc làu quy tắc “bất thành văn” khi vào rừng, đó là không chặt phá cây, không để gia súc bước vào cấm rừng. Quy tắc này được lưu truyền qua bao thế hệ thông qua lệ cúng miếu Ông, lệ cúng lớn nhất trong năm của người dân nơi đây.
Miếu Ông ở núi Sừng Trâu thuộc đội 3, thôn Hòa Bình, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi). |
“Hằng năm, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, gần 200 hộ dân đội 3 lại cùng nhau tề tựu tại miếu Ông để tham gia lễ cúng. Đây là dịp người dân đội 3 tập trung đông đủ nhất. Sau khi bày biện lễ vật để cúng và dâng hương lên Thành hoàng làng, chúng tôi ngồi lại với nhau trong khuôn viên miếu Ông để bàn bạc những công việc cần làm trong năm. Đồng thời dặn dò nhau, nhất là dặn dò thế hệ trẻ cùng chung tay gìn giữ tín ngưỡng, phong tục, bảo vệ miếu Ông và cấm rừng này”, Trưởng thôn Hòa Bình Hồ Minh Long chia sẻ.
Để thể hiện lòng thành kính với rừng thiêng, miếu cổ, cứ 3 năm, người dân nơi đây lại tổ chức bình xét, bầu chọn lại chủ bái. Người được lựa chọn làm chủ bái sẽ chủ trì cúng lễ tại miếu Ông và trông coi, chăm sóc khu rừng thiêng. Vì vậy, người làm chủ bái được cộng đồng lựa chọn, phần lớn đều là bậc cao niên, có uy tín, đạo đức và tài năng.
Gắn rừng vào tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, người dân ở đội 3 đã chung tay bảo vệ khu rừng xung quanh miếu Ông. Theo thời gian, làng trở thành phố, nhưng tục xưa, nếp cũ và khu rừng có tuổi đời hàng trăm năm ở vùng đất này vẫn là điểm tựa tâm linh trong lòng người dân.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: