Người trẻ tâm huyết phát triển du lịch

16:04, 23/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vài năm trở lại đây, nhiều người trẻ đã phát huy tính sáng tạo, năng động, tham gia vào việc quản lý, quảng bá du lịch địa phương, góp phần phát triển ngành "công nghiệp không khói" của tỉnh.

Góp sức phát triển quê hương

Tại huyện Lý Sơn, ngành du lịch ngày càng phát triển đã tạo cơ hội cho nhiều người trẻ có kiến thức về quản trị kinh doanh, marketing hoạt động trong lĩnh vực này. Từng học ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Nha Trang, anh Đặng Văn Sâm (31 tuổi), ở đảo Bé (Lý Sơn), đã chọn về quê lập nghiệp. Anh là một trong những người trẻ ở đảo Bé khá thành công với mô hình du lịch homestay.

Vào dịp hè, homestay "Ly Son Bungalow hostel" của anh Sâm, với 6 phòng nghỉ, lúc nào cũng có khách đặt. Nhiều du khách chọn ở homestay "Ly Son Bungalow hostel" của Sâm, bởi điểm lưu trú này được đầu tư nổi bật, với ngôi nhà gỗ xinh xắn, cùng nhiều tiểu cảnh bắt mắt... 

Chị Trần Thị Thu Thủy thông tin đến du khách về các hoạt động nổi bật của Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Chị Trần Thị Thu Thủy thông tin đến du khách về các hoạt động nổi bật của Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

“Homestay của tôi lấy ý tưởng từ những ngôi nhà bungalow kiểu Ấn Độ. Sau gần 5 năm kinh doanh lĩnh vực du lịch, tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để homestay ngày càng đáp ứng  tốt hơn các dịch vụ lưu trú của du khách. Là người trẻ, chúng tôi muốn góp sức mình để du lịch Lý Sơn ngày càng phát triển, trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai”, Sâm bộc bạch.

Học ngành quản trị kinh doanh du lịch tại Đại học Duy Tân, anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi), ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), đã dùng kiến thức học được để phát triển du lịch ở địa phương. Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, anh Dũng đã cùng một số người trẻ ở địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhằm khai thác, phát huy giá trị rừng dừa nước Tịnh Khê. Sau gần 3 năm, rừng dừa nước Tịnh Khê đã trở thành một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách.

“Trước đây, người dân làm du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm, không được tổ chức bài bản nên chưa phát huy tiềm năng du lịch của địa phương. Từ khi chúng tôi thành lập HTX, huy động người dân cùng tham gia, hoạt động du lịch của xã ngày càng khởi sắc. Cùng với việc HTX đầu tư nhiều dịch vụ tiện ích hơn, thì rừng dừa nước được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh đã giúp Tịnh Khê có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh”, anh Dũng chia sẻ.

Tận tâm với làng

Nằm nép mình bên cạnh đầm An Khê và bờ biển Sa Huỳnh, làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) còn lưu giữ nhiều dấu tích của nền Văn hóa Sa Huỳnh xưa. Chính những nét khác biệt, độc đáo của cảnh vật, cộng với sự hiền hòa, chân chất của con người nơi đây đã tạo nên một Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ nổi tiếng mà ai cũng muốn đến một lần để trải nghiệm.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh các yếu tố về tài nguyên, hạ tầng, cơ sở vật chất... thì con người luôn đóng vai trò quyết định để tạo ra một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Điều đáng mừng là, tại các khu, điểm du lịch, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia quản lý, khai thác, phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả ngành du lịch của tỉnh.

Một trong những người trẻ tham gia phát triển điểm du lịch cộng đồng này ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, đó là chị Trần Thị Thu Thủy (30 tuổi). Chị Thủy là người con của làng Gò Cỏ, sau khi tốt nghiệp ngành tài chính - doanh nghiệp tại Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP.Hồ Chí Minh), chị chọn về quê lập nghiệp. Chị Thủy đã cùng Ban Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ đề ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng.

Năm 2023, chị Thủy được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ. Hiện nay, HTX có 33 thành viên, với 9 tổ du lịch cộng đồng như: Homestay, ăn uống, giao lưu bài chòi, hát múa; trải nghiệm nấu ăn, đan lưới, làm nông dân và trải nghiệm chèo thuyền bằng tre. 

“Từ khi tham gia vào HTX Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, chúng tôi đã tổ chức đào tạo, tập huấn các kiến thức làm du lịch chuyên nghiệp hơn cho người dân. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX; đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương”, chị Thủy nói.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:04, 23/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.