Bên dòng Ô Sông

19:24, 30/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Làng tôi xưa gọi là làng Long Giang, nay là xã Bình Long (Bình Sơn), có dòng sông mang tên Ô Sông chảy qua chiếc cầu cùng tên rồi xuôi dòng ra sông Trà Bồng...

Ngày xưa, chiều xuống, chiếc cầu gỗ soi bóng xuống dòng sông. Rồi theo tháng năm đường thiên lý Bắc - Nam được mở rộng thành quốc lộ, cầu gỗ được thay bằng cầu bê tông cốt thép. Mùa hạ sông cạn, con nước lững lờ. Mùa mưa, nước trên dòng Ô Sông chảy cuồn cuộn bao vây, cô lập xóm làng. 

Tôi vẫn nhớ nhiều về những ngày xưa cũ. Khi đó, trong câu chuyện nơi bàn trà, nội và những người bạn của ông thường bảo: “Quê mình là vùng “rừng ngang, nước ngược”, nhưng nhờ có con sông chảy qua nên thế đất dữ hóa lành. Con trai thì hiền lành, chăm chỉ. Con gái thì cần kiệm, biết lo toan”...

Ở phía tây nam của làng là những rặng núi cao kéo dài xuống phía đông băng qua Truông Ba Gò, nay là ngã tư Bình Long - Dung Quất. Còn dòng sông quê, xuất phát từ Nam Yên, Hàng Xoài (xã Bình Hải)- vùng đất gò đồi ở phía đông cách làng tôi chừng mươi cây số  từng vang danh với Chiến thắng Vạn Tường (8/1965). Sông chảy ngược lên phía tây, băng qua cầu Cháy, xã Bình Hiệp, rồi mới đổ về làng tôi bắt đầu từ xóm Bàu Tre.

Dòng sông Ô Sông, ở xã Bình Long (Bình Sơn).
Dòng sông Ô Sông, ở xã Bình Long (Bình Sơn).

Dòng sông góp phần tạo nên thế đất và cũng từ đó người dân quê đặt tên đất, tên làng. Nơi con sông trôi chậm rãi rồi tụ lại ở phía trên cầu Ô Sông, thôn cạnh đó từ xưa đã mang tên Long Hội. Rồi sông lững lờ trôi xuôi dòng qua những cánh đồng, gò bãi, xóm nhà thật bình yên nên ông bà xưa đặt tên thôn là Long Yên. Chếch về phía nam khuôn đất bằng phẳng nên gọi là thôn Long Bình. Còn phía bên kia sông đất thấp, phù sa ngưng đọng, nên bốn mùa hoa trái xanh tốt thì gọi là thôn Long Mỹ. 

Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", làng Long Giang quê tôi xưa có nghề đúc đồng nổi tiếng. Nhưng ba tôi bảo, khi ông lớn lên nghề này không còn. Nhờ có dòng sông quê nên những cánh đồng trũng ven sông nguồn đất sét khá tốt. Biết bao đời, người dân quê tôi đào đất sét gánh về rồi đóng khuôn làm gạch để xây nhà, rồi vào rẫy chọn những cây mít dài đem đẻo làm cột nhà.

Những ngôi nhà rường đi qua mưa nắng, đi qua chiến tranh giờ vẫn còn đó, với hàng cột gỗ mít láng bóng trở thành chứng nhân của làng tôi. Cũng nhờ có nguồn đất sét chất lượng tốt, người làng tôi trong thời điểm nông nhàn trần lưng đào đất, xưa thì gánh gồng trên lưng, sau đó thì dùng xe đạp thồ đất ra thị trấn Châu Ổ bán cho người dân làng Mỹ Thiện để làm đồ gốm. Gốm Mỹ Thiện men tốt, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. 

Tôi lớn lên khi đất nước mình vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cánh đồng làng mỗi năm làm đôi ba vụ lúa. Trong bữa cơm thường ngày của người dân quê, hạt gạo cõng khoai cùng sắn. Đám trẻ chúng tôi, ngoài giờ đi học là mở cổng chuồng lùa trâu bò ra đồng gặm cỏ. Khi mặt trời lên cao thì lùa chúng ra sông tắm. Nhờ nắm đuôi trâu bơi qua sông, mà cả bọn biết bơi.

Đi qua những ngày nắng hạ gay gắt, mùa thu trời dịu lại. Rồi mùa đông sông quê con nước tràn bờ. Qua tháng Chạp mưa phùn, sông trôi chầm chậm băng qua giữa cánh đồng xanh một màu xanh của lúa. Con đường làng quanh co. Những khóm hoa vạn thọ dung dị, phô sắc vàng trong những vườn nhà, bên cạnh những luống cải bẹ xanh, xà lách mơn mởn. 

Làng quê Bình Long (Bình Sơn) nhìn từ trên cao.  					       Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Làng quê Bình Long (Bình Sơn) nhìn từ trên cao. Ảnh: BÙI THANH TRUNG

Người dân quê cả năm bận rộn trên đồng ruộng, tháng Chạp về lại càng bận rộn hơn. Bà con kéo nhau lên rẫy thu hoạch kiệu rồi gồng gánh ra ao, ra mé sông để rửa. Mớ này để cho con, cho mình, mớ này để tặng sui gia, còn mớ này đem ra chợ bán. Kiệu quê tôi trồng trên đất đỏ, cũ nhỏ mà thơm.

Bây giờ là sản phẩm OCOP. Kiệu sau khi rửa sạch, đem vùi trong tro cho bớt hăng nồng rồi rửa sạch trở lại, đem dầm với nước mắm cá cơm mua từ làng biển Đức Lợi (Mộ Đức). Để lọ củ kiệu xinh hơn, ngon hơn, người dân quê tôi thường ra sau nhà hái trái đu đủ xanh, cắt vỏ, xén ra từng miếng đủ hình thù. Có người mua củ cà rốt đem về ngâm với củ kiệu, đu đủ nên lọ củ thêm bắt mắt.

Củ kiệu dùng trong bữa cơm ngày Tết, ngon nhất vẫn là ăn kèm với bánh tét. Lát bánh thơm ngon, dẽo mềm, cộng với nhân thịt, củ kiệu thơm dòn nơi đầu lưỡi. Cho đến bây giờ, người dân quê tôi vẫn giữ giống nếp hương hạt tròn. Giống nếp như bảo bối này được bà con chọn cấy ở những thửa ruộng đọng đầy phù sa của sông. Khi tháng Ba về là gặt rồi phơi khô, đổ nếp vào bồ chờ giáp Tết mới xay, giã, dần, sàng lấy hạt làm bánh nổ, bánh thuẩn, bánh tét. 

Nhưng sông quê không chỉ có vậy. Có những ngày mưa đầu mùa cả làng cùng nhau hết ban ngày lại đến ban đêm chờ cá chép, diếc,cá rô... theo con nước ngược lên đồng. Cánh đàn ông trong làng với nơm, với lờ, lưới đi bắt cá. Con cá rô mề nướng trên than lửa hồng vừa chín tới đem dằm mắm gừng, con cá chép hấp nấm mèo, hành tây trong mùa nước lên vừa thơm, vừa béo.

Rồi trong tiết tháng Chạp,  khi lúa trì trì bắt đầu trổ bông, bầy cá rô thóc cứ lẩn quẩn trong ruộng lúa. Chúng tôi mỗi đứa làm ít nhất cũng cả trăm chiếc câu cắm vòng quanh ruộng. Rồi sau đó đi mắc mồi, rồi lại đi vòng quanh ruộng để thăm câu. Cá rô thóc đem kho với lá gừng, ăn với cơm nóng hôi hổi. Đó là chưa kể lấy mớ tàu khoai muối đem kho với cá, rắc ớt cho cay ăn với cơm. Ăn xong, uống một bát nước chè tươi thì đâu mấy ai quên!

Làng tôi sau ngày thống nhất, khi tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình được chọn vào hợp tác xã đầu tiên trong tỉnh. Cái thời đánh kẻng đi làm đồng, ngày công tính bằng điểm để quy ra thóc biết mấy khó khăn. Làng trở mình trong thời khoán hộ, rồi mới thật sự đổi thay khi Nhà nước mở cửa.

Rồi khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, KKT Dung Quất hình thành, cánh trai làng quê tôi vừa làm ruộng vừa trở thành công nhân lao động trên những công trường xây dựng. Đám trẻ sinh sau lớn lên đi học rồi về xin việc làm ở KKT Dung Quất cũng nhiều. Cuộc sống khá dần lên, những mái nhà tranh tre thay vào đó là nhà cấp 4, nhà đổ bê tông. Rồi thông qua chương trình nông thôn mới, đường làng được xây dựng nên làng quê đổi thay càng nhiều.

Theo kế hoạch, năm 2025 huyện Bình Sơn sẽ lên thị xã và làng tôi sẽ trở thành một phường của thị xã. Thế là người quê, sớm hôm cày bừa trên đồng và bận rộn với những mùa rẫy lại có dịp bàn tán xôn xao. Như bao đứa con sinh ra và lớn lên bên dòng sông quê ấy, tôi vui vì quê mình đổi thay!

Bài, ảnh: CẨM THƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

                                        

Xuất bản lúc: 19:24, 30/09/2024
TỪ KHÓA: làng bên sông ô sông

Ý kiến bạn đọc


.