(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, UBND tỉnh đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi Quảng Ngãi và Nam Trung Bộ trong tình hình mới. Qua hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã hiến kế nhiều giải pháp, nhằm bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, là nơi phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh, 1 trong 3 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam đã được thế giới công nhận; là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số gặp nhiều thách thức. Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian... của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền... Hội thảo là dịp để Quảng Ngãi nhận được nhiều ý kiến, các giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi trong tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.
Các nghệ nhân ưu tú đồng bào Cor xem hình ảnh văn hóa miền núi được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: TRÍ PHONG |
Theo GS, TS. Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, điều vô cùng quan trọng hiện nay đó là, làm thế nào để đem những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng của một tộc người phục vụ cho cuộc sống hiện tại, vừa để giáo dục thế hệ trẻ, vừa để bảo tồn bản sắc văn hóa của cha ông và quan trọng hơn nữa là, để phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Việc giáo dục di sản cần đưa vào trường học để dạy cho lớp trẻ, làm cho học sinh từ quen đến yêu quý, trân trọng văn hóa dân tộc của mình.
Chia sẻ về lễ ăn trâu của đồng bào Ca Dong và các đồng tộc của họ ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Nguyễn Đăng Vũ cho rằng, nếu loại bỏ, thì chắn hẳn di sản văn hóa của tộc người sẽ mất dần. Bởi, lễ ăn trâu của người Ca Dong, cũng như lễ ăn trâu của các đồng tộc láng giềng, chứa đựng dường như đầy đủ những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tri thức bản địa, nhân sinh quan, thế giới quan, các loại hình văn học nghệ thuật... mang đậm bản sắc của tộc người.
Trong khi đó, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Phan Đình Độ nêu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê (Ba Tơ). Theo ông Độ, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ và đồng bào Hrê về việc bảo tồn những giá trị đặc trưng của nghệ thuật trình diễn chiêng Ba. Cần tái tạo và kiến tạo môi trường sử dụng. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến di sản văn hóa cồng chiêng bị tổn thất chính là môi trường trình diễn bị hạn chế, thu hẹp.
Cùng với đó là, đẩy mạnh truyền dạy về văn hóa cồng chiêng và hỗ trợ mua sắm cồng chiêng. Hơn nữa, các địa phương nên có cơ chế, chính sách đãi ngộ hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân truyền dạy và thành lập các nhóm sở thích, câu lạc bộ để thường xuyên tổ chức sinh hoạt và gìn giữ, truyền dạy di sản trong cộng đồng.
Tại hội thảo, có hơn 50 tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước, tập trung các nhóm vấn đề: Bảo tồn di sản văn hóa, văn học dân gian, tín ngưỡng, lễ hội dân gian, âm nhạc, du lịch, ẩm thực... Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi cũng đã nêu các tham luận liên quan đến truyện dân gian Cor ở Quảng Ngãi từ góc nhìn địa văn hóa; mối tương quan văn hóa của người Sa Huỳnh cổ và dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi; phác đồ giao thương xuôi - ngược ở Quảng Ngãi và những bài học. Ngoài ra, còn có tham luận về các tín ngưỡng, lễ hội dân gian các dân tộc miền núi Quảng Ngãi và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy trong tình hình mới.
"Bên cạnh giữ gìn, lưu giữ đối với những người nghiên cứu, việc sưu tầm các giá trị truyền thống trong đồng bào dân tộc đóng vai trò quan trọng. Đây là cách để các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nuôi dưỡng, làm phong phú đời sống tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa. Đồng thời, giáo dục các thế hệ gìn giữ truyền thống trong vườn hoa nhiều hương sắc của văn hóa Việt Nam", GS, TS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh.
TRÍ PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: