(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã 35 năm trôi qua, nhưng cầm trên tay số báo Quảng Ngãi đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh (số 001), nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Quảng Ngãi thế hệ trước vẫn bùi ngùi xúc động, bởi những ký ức làm báo ngày đó không thể nào phai mờ...
Nguyên Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Trương Đình Chiểu:
“Hạnh phúc vỡ òa khi xuất bản số báo đầu tiên”
Theo Quyết định số 01/NQNS-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành ngày 27/6/1989 về việc bổ nhiệm Ban Biên tập Báo Quảng Ngãi, tôi được phân công giữ chức Quyền Tổng Biên tập. Với tôi, đây là niềm vinh dự, tự hào, xen lẫn sự phấn khởi khi được gặp lại anh em đồng nghiệp từng làm báo với mình, bởi trước đó tôi có thời gian làm Trưởng phòng Chính trị - Văn xã, Báo Nghĩa Bình. Song, Tôi cũng xác định đó là nhiệm vụ rất nặng nề, vì lúc ấy cả cơ quan chỉ có vài người quê Quảng Ngãi từng làm việc ở Báo Nghĩa Bình được cử về Quảng Ngãi để chuẩn bị ra số báo đầu tiên.
Nguyên Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Trương Đình Chiểu trao đổi với lãnh đạo Báo Quảng Ngãi về công tác chuẩn bị nội dung xuất bản số báo đầu tiên. Ảnh: BẢO HÒA |
Ngày mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Báo Quảng Ngãi phải mượn tạm hội trường tầng hai của một cơ quan trên đường Lê Trung Đình, TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) để làm việc. Bộ máy tổ chức chỉ có phòng phóng viên và phòng hành chính trị sự.
Dù thiếu thốn đủ thứ nhưng tất cả đều phấn đấu, quyết tâm làm việc để kịp thời ra số báo đầu tiên. Với kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy, nhiệt huyết trong đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên và nhất là sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh, tôi có niềm tin là mọi người sẽ làm được. Khi đó, tôi phác họa cơ cấu tổ chức, hoạt động của Báo Quảng Ngãi, soạn thảo nội dung của số báo đầu tiên trong cuốn sổ tay của mình.
Ý tưởng phác thảo măng - sét báo Quảng Ngãi lúc bấy giờ có tên Quảng Ngãi với hai màu xanh, đỏ, cuối cùng mọi người quyết định chọn màu đỏ. Sau một thời gian làm việc khẩn trương, công tác chuẩn bị cho số báo đầu tiên đã hoàn thành. Lúc này, nhà in Quảng Ngãi mới chia tách, chưa có công nghệ in offset nên tôi cùng một nhân viên mang chiếc cặp đựng tất cả bài viết, hình ảnh ra nhà in tại Đà Nẵng. Ra đến nhà in, vì việc in báo Quảng Ngãi lúc bấy giờ thuộc kế hoạch 3 của nhà in, nên chúng tôi phải chờ nhà in sắp xếp đến lượt.
Tờ báo Quảng Ngãi số 001 được nguyên Quyền Tổng Biên tập Trương Đình Chiểu lưu giữ cẩn thận. Ảnh: BẢO HÒA |
Theo lịch, 12 giờ đêm sẽ đến lượt in báo Quảng Ngãi, thì bất ngờ lúc hơn 11 giờ đêm, nhân viên nhà in đến tìm gặp tôi thông báo, sau khi sắp chữ còn một khoảng trống, cần phải có 500 chữ điền vào. Dù chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng hình ảnh dự phòng, nhưng trong điều kiện làm việc còn thiếu thốn, chỉ dùng chiếc thước để đo ma-két nên khi lên trang còn dư một khoảng. Vậy là, tôi vội viết ngay bài "Làm ăn" để điền vào chỗ trống cho kịp in báo.
Số báo đầu tiên ra mắt ngày 8/7/1989, chúng tôi vui như Tết, đúng như chính lời bài thơ “Phút thiêng này” của tác giả Nguyễn Trung Hiếu đăng ở trang 3 số báo đầu tiên: “Ôi, Đất nước/ Từng những ngày vui thế/ Mốc 45, 75/ Nay lại nữa: MỘT NGÀY”... Sau khi ra số đầu tiên, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các số báo tiếp theo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn gìn giữ tờ báo Quảng Ngãi số 001, cuốn sổ tay ghi chép và một số giấy tờ liên quan đến thành lập Báo Quảng Ngãi để lại cho thế hệ làm báo hôm nay.
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Lê Thị Xuân Hòa:
“Vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”
Tháng 3/1989 có chủ trương của Bộ Chính trị về tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Tháng 4/1989, các cơ quan cấp tỉnh đã bắt tay vào triển khai nhiệm vụ. Ban Biên tập Báo Nghĩa Bình đã họp toàn bộ cơ quan để xem xét số cán bộ, phóng viên là người Quảng Ngãi để đưa về lại Quảng Ngãi.
Lúc đó, chỉ có 7 người Quảng Ngãi, trong đó có đồng chí Tạ Mỹ Khê (nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi) là Trưởng phòng Kinh tế, đang đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội), cũng là nguồn quy hoạch Phó Tổng Biên tập. Và tôi là Phó Trưởng phòng Phóng viên cùng các cán bộ, phóng viên của Báo Nghĩa Bình. Sau khi lập danh sách xong thì Ban Biên tập Báo Nghĩa Bình đã làm việc với Tỉnh ủy Nghĩa Bình để báo cáo nhân sự đưa về Quảng Ngãi. Đồng thời, thống nhất cử tôi là người đại diện đứng ra phân chia cơ quan mới, vì đồng chí Tạ Mỹ Khê đang đi học ở Hà Nội.
Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi Lê Thị Xuân Hòa. Ảnh: THANH THUẬN |
Trong 3 tháng chuẩn bị, Ban Biên tập Báo Nghĩa Bình liên tục ra Quảng Ngãi để hỗ trợ, giúp đỡ về cơ sở vật chất. Công tác chuẩn bị cho số báo đầu tiên sau tái lập tỉnh rất khó khăn trong điều kiện thiếu thốn cả cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy vậy, với sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, phóng viên và lực lượng cộng tác viên, Báo Quảng Ngãi đã xuất bản thành công số báo đầu tiên 001.
Mọi người đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì tờ báo của tỉnh nhà ngày đầu tái lập. May mắn là thời điểm đó, các cộng tác viên rất tích cực, nhất là cộng tác viên làm việc ở các đài truyền thanh huyện, thường xuyên đến tòa soạn để tiếp nhận thông tin, viết bài theo định hướng của Ban Biên tập. Trong thâm tâm tôi luôn cảm ơn các cộng tác viên ngày ấy như các anh Hà Minh Đích, Thái Anh, Thành Vinh, Tuấn Kiệt... Họ đã cùng gắn bó, chung tay, sẻ chia để xây dựng tờ báo Quảng Ngãi trong những ngày đầu tái lập tỉnh.
Nguyên Phó Trưởng phòng Phóng viên Báo Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Trí:
“Làm việc bằng cả đam mê và trách nhiệm”
Nguyên Phó Trưởng phòng Phóng viên Báo Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Trí. Ảnh: BẢO HÒA |
Thời điểm chia tách tỉnh vào tháng 7/1989, tôi đang là phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Nghĩa Bình. Tôi là một trong số phóng viên quê Quảng Ngãi được cử về để góp phần chuẩn bị ra số báo Quảng Ngãi đầu tiên. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ vận chuyển một số tài sản được chia từ Báo Nghĩa Bình mang về, phần lớn là bàn ghế đã cũ. Bên cạnh khó khăn về nơi ăn chốn ở, điều kiện làm việc tạm bợ, lúc mới chia tách tỉnh, các cơ quan, đơn vị đều phải lo sắp xếp hoạt động nên phóng viên khai thác thông tin, tư liệu rất vất vả.
Để thực hiện tác phẩm báo chí, phóng viên đã rất nỗ lực. Với nền tảng kiến thức, kinh nghiệm đào tạo, học hỏi từ thế hệ đi trước, nhiều phóng viên đã vượt qua mọi khó khăn, có nhiều ý tưởng sáng tạo trong thực hiện bài viết. Mọi người hăng say đi và viết, đi cơ sở trên chiếc xe đạp, nhưng ai cũng tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết và quyết tâm. Thiếu thốn cả về nhân lực lẫn vật chất, để in từng số báo phải mang ra Đà Nẵng, nhưng anh em làm việc bằng cả trái tim, nỗ lực cố gắng rất lớn để ra mắt số báo đầu tiên đúng như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh và đã được Tỉnh ủy khen.
T.THUẬN - B.HÒA (lược ghi)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: