Cách làm ra lửa của người xưa

10:07, 22/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lửa có vai trò quan trọng trong đời sống con người, chẳng những để nấu ăn, sưởi ấm mà còn giúp ích trong canh tác nông nghiệp, giữ gìn và bảo quản lương thực để nuôi sống con người. Từ thời xa xưa, con người làm ra ngọn lửa bằng nhiều cách để phục vụ cuộc sống của mình.

Ngày xưa, khi chưa có các phương tiện lấy lửa tiện lợi như hộp diêm, hộp quẹt thì lúc đi nơi xa, vào rừng săn bắt, đốt nương làm rẫy, con người phải có những công cụ để làm ra lửa. Có hai cách làm lửa phổ biến của người xưa, cách thứ nhất, có lẽ ra đời từ thời “nguyên thủy” là cọ xát vật dụng để làm nóng, từ đó bốc lên ngọn lửa. Cách thứ hai là dùng công cụ đánh lửa để phát ra tia lửa và từ đó sẽ nhen nhóm lên ngọn lửa.

Đối với cách làm thứ nhất, vật dụng đơn giản để kéo lửa là những cây tre khô. Người ta vào rừng tìm một cây tre non thật khô, chẻ ống tre ra thành cái máng. Lấy máng tre đó khoét thành một cái lỗ ở giữa rồi để trên mặt đất và lấy ống tre khác chẻ ra làm thành miếng dát mỏng để kéo lửa. Người làm lửa dùng hai bàn chân giữ chặt hai đầu máng tre và hai tay kéo lát tre qua cái máng. Cứ kéo cò cưa qua lại liên tiếp như kéo đàn nhị cho đến khi đứt dây lát tre khô là có lửa để nhóm hút thuốc, sưởi ấm, nấu ăn, đốt rẫy... Cách kéo lửa như thế này thường được làm vào mùa nắng mới hiệu quả, còn mùa mưa thì hơi khó cháy.

Một số dụng cụ gồm bùi nhùi, thanh sắt và đá gan gà dùng để tạo ra lửa của người xưa.
Một số dụng cụ gồm bùi nhùi, thanh sắt và đá gan gà dùng để tạo ra lửa của người xưa.
Khi đi săn bắt, hái lượm giữa núi rừng, chỉ cần mang theo ít gạo, muối, người đi rừng với công cụ lấy lửa tự chế có thể nấu ăn bằng những nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên. Nước trong ống tre, ống nứa cũng có thể dùng để nấu nướng bình thường, không cần phải lấy nước từ sông, suối. Món ăn nấu bằng ống tre, gọi là món lam (cơm lam, canh lam, thịt lam, cá lam) có mùi vị thơm ngon.
Ngày trước, mỗi nhà có cách giữ lửa riêng cho gia đình hoặc “xin lửa” ở hàng xóm. Mỗi buổi sớm, trước khi ra khỏi nhà, người ta phải dọn bếp lửa và dập hết lửa, chỉ để một thanh củi gộc vùi dưới tro để giữ lửa. Củi gộc là cây củi khô, to bằng bắp đùi trở lên, nó là cây củi giữ than từ đêm này sang đêm khác.

Đối với cách thứ hai, áp dụng nguyên tắc vật lý, có sự sáng tạo hơn. Nó được sử dụng khá phổ biến ở nhiều tộc người, ngay cả cư dân sinh sống ở đồng bằng hay vùng trung du. Mỗi khi đi xa, người ta mang theo bên người một ống tre ngắn có nắp đậy hoặc cái túi nhỏ may bằng da chó. Trong ống hoặc túi da đó có một miếng sắt dẹp nhỏ bằng ngón tay cái, một miếng đá gan gà có màu nâu và một ít bùi nhùi.

Khi cần có lửa, người ta lấy các thứ đó ra, một tay cầm đá có kèm theo bùi nhùi, tay kia cầm thanh sắt đánh mạnh vào đá thì lập tức bắn ra nhiều tia lửa. Tia lửa rơi vào bùi nhùi, bùi nhùi bắt lửa cháy. Ngay lúc ấy họ lấy một ít lá khô nhóm lên, thế là có một bếp lửa. Cách đó đồng bào gọi là làm quẹt lửa. Bí quyết của nó là phải có thanh sắt được luyện thật tốt và bắt buộc phải có một viên đá gan gà, vì đá đen, đá trắng đánh ít ra lửa. Còn bùi nhùi thì chặt một vài loại cây rừng, cạo lấy lớp vỏ ngoài của nó bỏ vào túi cho khỏi bị ẩm và để dành dùng dần. Đá gan gà chạm mạnh vào thanh sắt tốt sẽ phát ra lửa, gặp bùi nhùi là chất mồi tạo nên ngọn lửa. Đó chính là cái quẹt lửa nguyên thủy, cổ xưa của nhiều tộc người.

Những cách thức làm ra lửa nêu trên được người xưa ứng dụng khi đi rừng hoặc đi xa, những nơi hoang vắng, không có chỗ “xin” lửa để dùng. Củi và lửa là những thứ thể hiện sự no ấm, mang lại sự sống cho mỗi gia đình. Ngọn lửa chính là biểu tượng thiêng liêng, làm nên văn hóa, duy trì cuộc sống cho đồng bào dân tộc miền núi. Bằng vốn hiểu biết, kinh nghiệm trong việc tạo ra lửa, giữ lửa, kiểm soát được ngọn lửa và lối ứng xử, luật tục, tín ngưỡng dân gian phong phú đã phần nào soi rọi những nét văn hóa, tập quán lý thú, độc đáo của nhiều dân tộc. Nhiều di sản văn hóa liên quan đến lửa, bếp lửa vẫn còn giá trị trong cuộc sống hôm nay tại các thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao xứ Quảng.

Bài, ảnh: TẤN VỊNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:07, 22/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.