Tiếng nhạc ngũ âm ngày xưa

22:54, 30/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến bây giờ, mỗi khi nghe tiếng trống, tiếng chiêng trầm hùng làm tôi nhớ lại thanh âm trong các buổi tế đình, miếu trong làng một thuở. Dường như bất cứ nghi lễ, lễ hội dân gian nào cũng không thể thiếu âm thanh tưng bừng của nhạc ngũ âm. Những hồi trống, chiêng, tiếng kèn, tiếng sáo vang lên như tiếng hoan ca thúc giục mọi người nô nức tham gia ngày hội làng.

Ngày xưa, trong các nhóm nhạc cổ truyền thường hội đủ năm người để đánh năm loại nhạc cụ khác nhau nên thường gọi là nhóm nhạc ngũ âm, đó là năm thanh âm gồm: Kim, ty, trúc, cách, mộc. Kim là âm thanh của nhạc cụ chế tạo từ kim loại như chiêng, sênh tiền, thanh la, kèn đồng. Ty là âm thanh từ dây tơ dùng trong đàn nhị, đàn nguyệt. Trúc là âm thanh của sáo, tiêu làm từ ống trúc (tre). Cách là âm thanh được làm từ miếng da trâu, da bò căng ra bịt hai đầu, tạo ra âm thanh như trống cái, trống cơm, trống chầu. Mộc là âm thanh của gỗ khi gõ như phách, mõ. Nhạc cụ ngũ âm cổ truyền mỗi loại có một âm sắc riêng, khi hòa tấu với nhau tạo thành bản giao hưởng khá độc đáo, lúc bi ai sầu lắng, lúc nhẹ nhàng, cao vút, hùng hồn, rộn rã.

Một ban nhạc ngũ âm ở huyện Lý Sơn.
Một ban nhạc ngũ âm ở huyện Lý Sơn.

Một số làng quê Bắc Trung Bộ như Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa thường chơi nhạc bát âm trong nghi lễ, ca kịch truyền thống. Ở Quảng Ngãi thì ít thấy, nếu có dùng cũng chỉ có thêm 2 thanh âm nữa là “thạch”, âm thanh phát ra từ đá như khánh đá, đàn đá, vỏ ốc (tiếng ốc tù và trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa) và “bào”, tức là âm thanh trái bầu thường do các dân tộc thiểu số chế tác từ vỏ trái bầu khô, như đàn b’rook của dân tộc Hrê, Cor. Mỗi nhạc cụ ngũ âm hay bát âm mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, thẩm mỹ và nghệ thuật đặc trưng riêng của từng vùng miền.

Trong những nghi lễ tế đình, miếu ở hai làng An Hải và An Vĩnh trên đảo Lý Sơn, thông thường người ta có ban nhạc ngũ âm phối lễ, gồm: Trống nhạc (chiếc trống nhỏ, âm thanh của cách), chập chõa (gọi là sênh tiền, âm thanh của kim), phách (là hai thanh gỗ gõ nhịp, là âm thanh của mộc), kèn và đàn cò. Theo trình tự nghi lễ, bao giờ mở đầu, người ta cũng xướng câu văn: “Khởi chinh cổ, các tam nghiêm", tức là đánh chiêng, trống ba lần; "nhạc sinh tựu vị", thì ban nhạc lễ vào vị trí để đánh nhạc. Theo các bước tiến hành nghi lễ cổ truyền phải đủ 3 bước tiến hành nghi lễ gồm sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Ban nhạc lễ sẽ đánh 3 bài nhạc theo từng bước lễ là “Nam, Xây, Dẫn” theo nhịp của trống nhạc, là người đánh nhịp cho ban nhạc. Trống lớn và chiêng là 2 nhạc cụ đặc biệt, dùng để mở đầu và kết thúc các nghi lễ. Riêng âm thanh của trống có lúc rộn rã, có lúc cao trào tùy vào từng hoàn cảnh, nếu là đánh trống trong hội làng thì giục giã cổ vũ mạnh mẽ, tiếng trống càng to càng phấn khích như tiếng trống trong Lễ hội đua thuyền Tứ linh. Theo từng bước hành lễ, tiếng ngũ âm cổ truyền được vang lên, như hòa vào lòng người, tạo nên âm hưởng trầm lắng như muốn nhắc nhở mọi người hồi nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền nhân một thời duyệt binh mở cõi, vỗ yên miền biên ải, cho đến tiếng trống tưng bừng, thúc giục mọi người đến tham gia lễ hội.

Lớp trước dạy người sau
Chơi nhạc cụ cổ truyền trong cộng đồng làng ở Quảng Ngãi chủ yếu mang tính kế thừa, được truyền dạy trong dân gian, người đi trước biết đàn, biết đánh trống, thổi kèn hay biết kéo đàn cò, đánh phách thì đến tuổi già sẽ dạy lại cho lớp trẻ tuổi về các quy trình đánh nhạc trong tế lễ, hội làng. Việc đánh các loại nhạc cụ trong tế lễ mang tính tự nguyện, không có thù lao, chủ yếu là được phụng sự thần linh và được ban chủ sự đình, miếu, họ tộc mời ăn uống sau khi kết thúc buổi tế lễ, hội làng.

Trong nghệ thuật diễn xướng dân ca bài chòi Quảng Ngãi, người ta thường sử dụng dàn nhạc ngũ âm, nhưng chỉ có trống cơm, đàn cò, phách, đàn nguyệt để phối nhạc cho những nghệ nhân hát bài chòi, còn tiếng trống hiệu thì giục giã anh Hiệu vừa hát, vừa trao cờ cho người chơi khi chiến thắng là giành được 3 lá cờ. Đôi khi người chơi nhạc bài chòi chỉ dùng các nhạc cụ như phách, đàn cò và trống cơm là đủ. Trong nghệ thuật hát sắc bùa cũng không thể thiếu thanh âm của trống cơm, đàn cò, phách, sên tiền. Người hát sắc bùa và ban nhạc sẽ hòa theo nhịp tiếng trống nhạc của người dẫn đầu đoàn hát. Cho nên, trong các nghi lễ, diễn xướng dân gian, nếu thiếu những thanh âm trong dàn nhạc ngũ âm thì khá nhạt nhẽo, mất vui, mà cái hồn cũng mất. Hiện nay, trong các lễ hội cầu ngư ra quân đánh bắt hải sản; Lễ tế thần Nam Hải, lăng vạn Thanh Thủy, ở xã Bình Hải (Bình Sơn), lăng vạn Thạch Bi, ở Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ); Lễ tế nữ thần Thiên Y A Na... đều phải có nhóm nhạc ngũ âm để phối lễ.

Tuy nhiên, một vài nghi lễ ở một số nơi, ngoài 2 nhạc cụ đặc trưng là trống, chiêng thì thiếu các nhạc cụ khác, ví như trong Lễ hội điện Trường Bà, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), cũng chỉ thấy có trống và cồng chiêng của đồng bào Cor đánh trong lễ hội, còn lễ tế bên trong điện thì chỉ có tiếng trống, chiêng, có lúc thì có trống cơm, phách và đàn cò phối lễ, còn nhạc cụ khác thì thiếu. Điều này cho thấy, những người đánh các loại nhạc cụ cổ truyền đang dần vắng bóng, sợ rằng nhạc ngũ âm cũng sẽ không còn trong các nghi lễ nếu không được quan tâm bảo tồn.

Hiện nay, phần lớn các loại nhạc cụ ngũ âm truyền thống được lưu giữ tại các đình, miếu, nhà thờ tộc họ, hoặc các loại nhạc cụ do người chơi trong nhóm nhạc gìn giữ riêng, đến khi nào diễn ra lễ hội, giỗ tộc thì mang ra sử dụng. Việc bảo quản nhạc cụ cũng phải thật cẩn thận và kiêng kỵ, không cho ai bước qua, hoặc làm hư hỏng. Việc đánh nhạc trong lễ hội cũng kiêng người đánh, người đó không có tang chế trong gia đình.

Bài, ảnh: VÕ MINH TUẤN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:54, 30/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.