Ống giang thổi lửa

09:29, 02/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ống giang là vật dụng dùng để thổi lửa, không thể thiếu trong bếp của mỗi gia đình ở thôn quê ngày xưa mỗi khi nấu ăn. Hình ảnh ngọn lửa, ống giang và âm điệu từ căn bếp xưa vẫn còn lưu giữ trong ký ức của nhiều người.

Theo quan niệm của người xưa, căn bếp là nơi ông Táo cư ngụ. Lúc đầu, bếp nấu ăn chỉ đơn giản là ba cục đá hình trụ tròn, về sau được thay thế bằng chiếc kiềng ba chân hoặc hai thanh sắt bắc ngang qua hai tảng đá đặt ở hai đầu. Khi chưa có thiết bị nhà bếp hiện đại như bếp dầu, bếp gas, bếp từ, thì trong bếp bắt buộc phải có cái ống giang để thổi không khí vào làm cháy bùng ngọn lửa giúp cơm mau sôi, canh mau chín.

Ống giang thổi lửa là vật dụng quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình
 ở nông thôn ngày xưa.
Ống giang thổi lửa là vật dụng quen thuộc trong căn bếp của nhiều gia đình ở nông thôn ngày xưa.

Ống giang được làm từ loại cây cùng tên. Người ta chọn cây giang già, thân thon gọn, có đường kính khoảng 5m, cắt lấy một đoạn dài khoảng 40cm để làm ống thổi. Ống nhỏ nên nằm vừa vặn trong tay, dễ dàng khi sử dụng. Chiếc ống có thể dựng một nơi hoặc để lăn lóc nơi xó bếp. Nó có hai đầu, một đầu để thổi và một đầu để không khí thoát ra. Một đầu hơi bị sém vì thường tiếp giáp với ngọn lửa.

Ống giang luôn láng bóng, đen nhẻm vì nhốm màu khói bếp và bụi tro. Khi nấu cơm xong, người ta không “tắt bếp” luôn mà thường để vài cục than hồng ủ trong tro. Trong nhà, cái bếp lửa luôn sạch sẽ, trước khi ra khỏi nhà người ta lấy chổi bếp quét dọn sạch sẽ và dập hết lửa, chỉ để một thanh củi vùi dưới tro để giữ lửa. Lúc cần nhóm bếp thì khơi lửa.

Chỉ cần một dúm lá thông, lá tre, bã mía, chùm rơm hay bào cưa làm mồi, lấy cái ống giang thổi vào là sẽ bùng lên ngọn lửa. Thổi ống giang phải có cách của nó. Người nấu bếp ngồi chồm hổm hoặc trên tấm đòn kê nhỏ, tay cầm ống thổi, người hơi cúi về phía trước, đôi môi chúm tròn thổi từng hơi dài vào miệng ống. Công năng của ống giang cũng giống như bè thổi của thợ rèn, quạt tay hay quạt máy đều tạo ra sức gió, làm cho nguồn ô xy phả vào than củi để cháy bùng lên ngọn lửa.

Ống giang là vật dụng đơn giản nhưng gắn bó với cuộc đời của người bà, người mẹ, người chị ở vùng quê. Họ là những người chịu thương chịu khó, luôn thức khuya dậy sớm để giữ và nhen nhóm ngọn lửa. Tiếng thổi lửa nghe “pho pho” mỗi buổi khuya sớm trong khung trời yên ắng nên càng lắng dịu và rất đỗi thân quen như nốt nhạc của cuộc đời.

Để có âm thanh đó, họ cũng tự tạo cho mình một “nội lực” và phải có sức khỏe. Bởi vì thổi lửa không đúng cánh sẽ gây chóng mặt thoáng qua do thiếu hụt ô xy. Nếu người đang mệt yếu, không đủ hơi sức để thổi thì lửa sẽ lâu cháy, nhất là khi gặp phải các loại than hoặc củi không bén lửa. Ngày xưa, ở các vùng quê, người dân hay đi chặt củi, cào lá thông... để làm chất đốt. Khi nấu cơm, nấu cám, nấu bánh... họ luôn phải “thường trực” bên bếp để canh giữ lửa.

Người ta ngồi trên tấm đòn kê, vừa cho chất đốt vào bếp vừa lấy ống giang thổi nhiều lần. Làm cho bếp lửa luôn cháy mạnh, đều hoặc cháy riu riu tùy theo món ăn, đồ uống và tùy lúc theo cách chế biến, nấu nướng kiểu “cơm sôi bớt lửa”... Khi nào canh chín, cá thịt kho xong, nồi cơm cũng vừa cạn hơi, thì nhấc nồi xuống, khơi một ít tro than ra rồi để nồi bên bếp, lúc này mới hết công đoạn “chụm” và thổi lửa.

Bếp lửa là nơi cả nhà được sưởi ấm vào mùa đông, thậm chí những con thú cưng như chó, mèo cũng chọn nơi đây để ngủ tránh rét. Và, trong gian bếp, các bà, các mẹ đã vất vả, nhất là phải “thổi cơm” vào những ngày hè oi bức. Họ cặm cụi ngày 3 lần bên bếp lửa để mang lại cơm nóng, canh ngọt, tạo nên nguồn sống cho cả gia đình.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, bếp lửa không thể thiếu trong tập quán sinh hoạt, đời sống, nên ngày nay chiếc ống giang vẫn còn hiện hữu. Đặc biệt, cái gác bếp còn được đồng bào dùng để sấy khô các loại thực phẩm như thịt cá nhằm giữ chúng được lâu dài hơn. Gác bếp là cái “tủ ấm” giúp đồng bào cất giữ và để dành thức ăn.

Nhiều món ăn của đồng bào ở vùng cao đều phải nhờ có cái nhiệt độ và hơi khói của gác bếp mới có hương vị đặc trưng. Món ăn phổ biến nhất và trở thành đặc sản của đồng bào là thịt gác bếp. Cái bếp còn giúp đồng bào bảo quản, giữ gìn hạt giống cho mùa sau, bảo vệ vật liệu khỏi hư hại bởi côn trùng...

Ngày nay, hầu như nhà nào cũng có bếp gas, bếp từ, bếp điện... Chỉ cần ấn nút sẽ có nhiệt, có lửa để đun nấu. Bếp lửa ngày xưa đã dần thưa vắng trong cuộc sống ở các miền quê. Vào dịp lễ, Tết, người ta làm cái bếp tạm ngoài trời để nấu bánh chưng, bánh tét. Quạt điện chạy vù vù tạo luồng gió để đốt những khúc củi to thay cho cái ống giang thổi lửa một thời chưa xa. Tuy nhiên, hình ảnh ngọn lửa, âm điệu từ căn bếp xưa vẫn còn lưu giữ mãi trong ký ức nhiều người, nhất là khi nhớ về người bà, người mẹ đã một đời giữ lửa, nuôi nấng và dạy ta khôn lớn thành người.

Bài, ảnh: TẤN VỊNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:29, 02/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.