Một thời tiếng hát át tiếng bom

14:35, 09/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã 60 năm trôi qua, ký ức một thời mang lời ca, tiếng hát làm vũ khí để đánh giặc cứu nước chưa bao giờ phai trong tâm trí của các cô, chú là cán bộ, diễn viên, nhân viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi.

Ký ức khó quên

Hơn nửa tháng nay, ông Trương Quang Tuấn (77 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa TX.Quảng Ngãi, hiện là Trưởng ban Liên lạc Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi tất bật với việc chuẩn bị tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi (8/6/1964 - 8/6/2024). Lục tìm những bức ảnh đen trắng của đồng chí, đồng đội mình năm xưa, ông Tuấn kể cho chúng tôi nghe về đồng nghiệp của mình cùng với những kỷ niệm sâu sắc.

Ông Trương Quang Tuấn kể về những người đồng chí của mình qua những tấm ảnh còn lưu giữ làm kỷ niệm.
Ông Trương Quang Tuấn kể về những người đồng chí của mình qua những tấm ảnh còn lưu giữ làm kỷ niệm.

Ông Tuấn tham gia Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi vào năm 1967. Ngày ấy, ông là diễn viên đa năng, bởi ông có thể hát bài chòi, diễn kịch, múa và chơi được một số nhạc cụ như đàn ghi ta, đàn mandolin. Ông Tuấn kể, nhiệm vụ của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi là tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện như hội nghị, đại hội, phục vụ nhân dân và bộ đội. Mỗi đợt hành quân đi biểu diễn thường kéo dài từ 3 - 6 tháng. Hết vào các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, rồi quay ra Bình Sơn, Sơn Tịnh, lên các huyện miền núi Trà Bồng, Sơn Hà... Việc di chuyển của đoàn chủ yếu là đi bộ, băng rừng để tránh sự phát hiện của địch. Mỗi người khi đi phải mang theo quân tư trang, kể cả vũ khí gồm súng và lựu đạn với khoảng 40kg khi hành quân di chuyển địa điểm. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi sáp nhập với Đoàn Văn công giải phóng Bình Định thành Đoàn Ca múa nhạc kịch Nghĩa Bình. Năm 1977, Đoàn Ca múa nhạc kịch Nghĩa Bình được tách thành 2 đoàn: Đoàn Ca múa nhân dân Nghĩa Bình và Đoàn Dân ca kịch Nghĩa Bình. Đến năm 1985, đổi tên Đoàn Ca múa nhân dân tỉnh Nghĩa Bình thành Đoàn Ca múa nhạc Chim Yến. Năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, đoàn được tách chuyển về Quảng Ngãi với tên gọi Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ngãi, sau là Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi. Năm 2020, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc được sáp nhập với Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh.

Trong giai đoạn 1967 - 1975, ông Tuấn cùng với đồng đội trong Đoàn Văn công đã biểu diễn hàng trăm buổi trên khắp địa bàn giải phóng của tỉnh. Trong thời gian ấy, có những kỷ niệm không bao giờ quên. Ông Tuấn kể, khoảng năm 1971, đoàn về biểu diễn phục vụ nhân dân tại xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh). Không biết thế nào mà người dân khắp nơi, kể cả từ huyện Tư Nghĩa kéo về rất đông. Khu vực biểu diễn chật ních, họ tràn cả lên sân khấu. Lần đó, chúng tôi không có một chút không gian nào để biểu diễn phục vụ, đành cáo lỗi cùng bà con và hẹn vào dịp khác. Hay như có lần đang biểu diễn tại xã Bình Trị (Bình Sơn), lúc 9 giờ sáng, khi đoàn đang biểu diễn thì bị địch phát hiện, cho máy bay đến quần thảo buộc chúng tôi phải di chuyển ngay lập tức để tránh bom. Vì quá bất ngờ nên gây nên tình huống dở khóc dở cười. 

“Khi máy bay quần thảo trên đầu, chúng tôi không kịp thay trang phục biểu diễn, nên người thì mặc áo vest, người thì đang hóa trang nhân vật diễn kịch cứ thế chạy vào làng. Người dân thấy chúng tôi chạy trong tình trạng như vậy nên cũng lo sợ”, ông Tuấn cười nói.

Hy sinh thầm lặng

Cách đây 60 năm, vào ngày 8/6/1964, tại suối Chí, xã Hành Tín (nay là xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), Ban CHQS tỉnh Quảng Ngãi thành lập Đoàn Văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi. Lúc mới thành lập, đoàn có 12 người, do đồng chí Khương Thế Hưng làm Trưởng đoàn, cùng 2 cán bộ chuyên môn và 9 diễn viên, nhạc công. Ngày ấy, đoàn thực hiện nhiệm vụ tập luyện các chương trình nghệ thuật và hành quân đi biểu diễn phục vụ quân dân ở căn cứ và một số vùng giải phóng.

Anh chị em Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. 				                                 Ảnh: TL
Anh chị em Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Ảnh: TL

Tháng 8/1965, Đoàn Văn công Quân giải phóng Quảng Ngãi được chuyển về Tỉnh ủy Quảng Ngãi, giao Ban Tuyên huấn trực tiếp chỉ đạo và xây dựng đoàn. Từ đây, đoàn được đổi tên thành Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi. Là đơn vị nghệ thuật ca, múa, nhạc, kịch tổng hợp, nên mỗi diễn viên phải tự học hỏi lẫn nhau để có thể biểu diễn nhiều thể loại khác nhau. Trong quá trình hoạt động, khi tập trung, lúc phân tán từng nhóm. Mỗi đội xung kích có từ 6 - 7 người, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ một chương trình từ 10 - 15 tiết mục đủ các thể loại ca, múa, nhạc, kịch. Quá trình hoạt động phục vụ trong chiến tranh, cán bộ, diễn viên, nhạc công thường xuyên đói ăn, thiếu mặc, sốt rét, thiếu trang phục biểu diễn... Không chỉ vậy, không ít lần họ phải biểu diễn dưới làn đạn pháo. Có 11 thành viên trong đoàn hy sinh ở cái tuổi mười tám đôi mươi.

Với những đóng góp to lớn, năm 1972, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhiều cán bộ, diễn viên của đoàn được tặng thưởng huân, huy chương.

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

                                                                                                                
 

Xuất bản lúc: 14:35, 09/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.