Hoa văn trong kiến trúc cổ xưa

15:39, 18/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoa văn trang trí trên các công trình kiến trúc xưa của người Quảng Ngãi rất phong phú. Mỗi hoa văn không chỉ chứa đựng quan niệm thẩm mỹ, bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, mà còn gửi gắm mong ước, khát vọng của người xưa.

Gửi gắm ước vọng

Ghé thăm nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, tọa lạc ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), nhiều người không khỏi trầm trồ trước các họa tiết tinh xảo, được người xưa đắp nổi, vẽ trên các vòm cửa của nhà tiền đường và chánh điện. Theo Trưởng tộc đời thứ 12 của họ Trần, làng Văn Bân Trần Văn Tự, những họa tiết hình rồng, phượng, dơi, hoa mai với hình dáng, màu sắc hài hòa, cân đối này không chỉ để trang trí, mà còn gửi gắm mong ước, khát vọng của người xưa.

“Rồng tượng trưng cho sự phồn thịnh, phượng tượng trưng cho sự thái bình. Còn họa tiết dơi tượng trưng cho sự may mắn, sung túc. Bởi âm hán việt của chữ dơi là phúc. Chữ phúc trong chữ nôm của người Việt là hạnh phúc, an lành. Vì vậy, người xưa đã điêu khắc những họa tiết này tại nhà thờ để gửi gắm mong ước về một cuộc sống bình an, sung túc”, ông Tự chia sẻ.

 

Lần giở tộc phả và những sắc phong có từ thời vua Khải Định, được các thế hệ con cháu trong họ lưu giữ đến ngày nay, ông Tự bảo, thủy tổ họ Trần, làng Văn Bân là ông Trần Văn Đức cùng em trai là Trần Văn Huy, người Thổ Thành, Diễn Châu (Nghệ An). Hai ông có công khai hoang, lập ấp và trở thành tiền hiền của vùng đất Văn Bân này.

Vì vậy, nhà thờ có tuổi đời hơn 300 năm này, không chỉ được dựng xây nên để thờ người trong họ tộc, mà ngày trước chính là nơi để cả dân làng cùng tề tựu, cúng bái tiền hiền của làng. Những họa tiết khắc lưu tại nhà thờ không chỉ gửi gắm mong ước của tiền nhân về một cuộc sống bình an, sung túc của riêng dòng họ Trần, làng Văn Bân, mà chính là cho tất cả người dân trong làng.

Mong ước về một cuộc sống viên mãn, trường thọ, người Quảng Ngãi ngày trước thường cách điệu chữ Thọ thành hoa văn để trang trí cho kiến trúc. Việc sử dụng văn tự để trang trí cho kiến trúc là một trong những dạng nghệ thuật trang trí khá đặc biệt, thể hiện sự tài tình, sáng tạo của người xưa. Tại lân Vĩnh Hòa (Lý Sơn), một công trình kiến trúc có từ lâu đời, không có tài liệu chính xác về năm xây dựng, chỉ biết công trình này được trùng tu vào thời vua Gia Long (1817), chữ Thọ được người xưa vẽ cách điệu lên tường theo hướng hồi văn (hoa văn có tính lặp lại) để trang trí. Kiểu họa tiết chữ Thọ được cách điệu theo hướng hồi văn này cũng được tìm thấy ở dinh Tam Tòa, một di tích tín ngưỡng dân gian ở Lý Sơn, được xây dựng từ thời vua Gia Long.

Ở chùa Thiên Ấn (TP.Quảng Ngãi), ngôi chùa cổ được xây dựng cuối thế kỷ XVII trên ngọn núi cùng tên, ô cửa thông gió trên đỉnh tháp treo chuông cũng được người xưa cách điệu hình chữ Thọ được bao bọc bởi họa tiết vòng tròn...

Lưu dấu lịch sử

Ngoài mô típ trang trí hoa văn mang tính biểu tượng, gửi gắm mong ước, khát vọng của người xưa; các công trình, kiến trúc xưa trên đất Quảng Ngãi còn có nhiều hoa văn lưu dấu bề dày lịch sử, được người xưa trao truyền, nối tiếp giữ gìn qua lớp lớp thế hệ. Trong đó, đáng chú ý, có nhiều hoa văn có từ thời sơ sử; được khắc, vẽ trên các công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XVII, XVIII... tại Quảng Ngãi.

Nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).
Nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức).

Vào thời sơ sử (giai đoạn kéo dài 2.000 năm, tiếp theo thời tiền sử), các hoa văn trang trí hình thoi, hình tròn, hình xoáy ốc bắt đầu xuất hiện. Trong đó, hoa văn hình thoi có nhiều trên gốm ở một số di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên như di chỉ Lũng Hòa. Sang thời văn hóa Đông Sơn, hoa văn hình thoi ngoài việc được vẽ trên đồ gốm, còn được tìm thấy trên các thố đồng Việt Khê và trên vòng chân bằng đồng của cư dân Làng Vạc.

Đặc biệt, có một đồ án hai hình thoi lồng vào nhau được tìm thấy trên một rìu xéo của di chỉ Trung Mầu. Đối với hoa văn hình xoáy ốc, thoạt đầu, có nhiều trên gốm Đồng Đậu. Sang đến thời văn hóa Đông Sơn, hoa văn hình xoáy ốc xuất hiện trên các đồ đồng như dao, chuông... Còn hoa văn hình tròn, vì đòi hỏi người vẽ, khắc phải thực sự điêu luyện mới làm được thật tròn, nên ở thời sơ sử, loại hoa văn này tuy xuất hiện, nhưng không nhiều.

Điều khá lý thú là, các hoa văn có từ thời trước, được sử dụng khá nhiều tại các chùa, đình làng, miếu thờ... ở Quảng Ngãi. Những công trình này được xây dựng từ Triều Hậu Lê, Triều Nguyễn... Tại chùa Thiên Ấn, hoa văn hình thoi lồng vào nhau được trang trí ở tháp treo chuông. Ở nhà thờ họ Trần, làng Văn Bân, trên bức hoành phi sơn son, thiếp vàng ghi tên nhà thờ họ, có trang trí 2 hoa văn hình xoáy ốc. Loại hoa văn đơn giản này được vẽ với kích thước lớn hơn rất nhiều so với các hoa văn hình hoa lá, hình tròn, hình ngũ giác được vẽ trên bức hoành phi. Ở lân Vĩnh Hòa, hoa văn hình xoáy ốc cũng được trang trí bằng hình thức đắp nổi sành sứ, nằm ở hai góc trái và phải của bức hoành phi ghi tên lân.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hoa văn trang trí xưa vẫn được dân gian trao truyền, gìn giữ qua bao thế hệ. Những giá trị văn hóa nội hàm, được người xưa gửi gắm trong những mô típ hoa văn trang trí này cần được ngành văn hóa nghiên cứu, gắn với bảo tồn, trùng tu để người đương thời và con cháu mai sau hiểu được ý nghĩa, vẻ đẹp nội tại của các di tích, các công trình kiến trúc xưa.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:39, 18/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.