Một dân tộc có chung một ông Tổ là Hùng Vương, có chung một địa điểm khởi phát quốc gia là Đền Hùng, có chung một niềm tin sắt đá từ mấy nghìn năm nay, đó là nền độc lập của Việt Nam đã được “thiên thư” (sách Trời) ghi nhận: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư”. Suốt mấy nghìn năm, người Việt đã sống với đức tin, rằng tổ tiên mình đã gây dựng nên một Tổ quốc, có thể qua nhiều đời mang nhiều tên khác nhau, nhưng tên cuối cùng là Việt Nam. Tổ quốc ấy có được như ngày hôm nay đã phải đánh đổi biết bao xương máu, mồ hôi, sức cần lao, lòng dũng cảm của cả một dân tộc.
Nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: PHƯƠNG THANH |
Cuộc hành quân suốt 4.000 năm của dân tộc Việt trải qua biết mấy thăng trầm, bao nhiêu đau khổ, mất mát, mới tới được ngày hôm nay. Ngày 18/4/2024 đúng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày Giỗ Tổ năm nay diễn ra trước kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 12 ngày. Đó là một tháng Tư đầy ý nghĩa, đầy khát vọng và niềm tin. Chúng ta có cùng một ông Tổ, chúng ta có cùng một Tổ quốc, chúng ta có cùng dòng máu Việt bất khuất nhưng luôn khiêm nhường và mềm mỏng, luôn khao khát hòa bình vì đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh từ hồi mới lập quốc tới bây giờ. Vì thế, ngày Giỗ Tổ không chỉ dâng lên các vua Hùng bánh chưng, bánh dày, những sản phẩm truyền thống của dân tộc Việt, mà còn dâng lên tổ tiên chúng ta những thành tựu khoa học, những sản phẩm của thời công nghệ hiện đại, những ước mơ làm sao để đất nước ta thực sự phát triển, nhân dân ta thực sự có đời sống ấm no, hạnh phúc như tâm nguyện của Bác Hồ.
Cứ đến ngày Giỗ Tổ, mỗi gia đình chúng ta dù ở đâu đều thắp nén hương thành kính dâng lên tổ tiên, ông bà mình với lòng biết ơn chân thành nhất. Tục thờ cúng ông bà với người Việt Nam là một luật tục thờ cúng thiêng liêng. Người Việt có thể theo những tôn giáo khác nhau, hoặc không theo tôn giáo nào, nhưng người Việt có chung cho mình tục thờ cúng ông bà, một tục lệ đẹp và đầy lòng nhân ái tồn tại suốt mấy nghìn năm nay. Trên tất cả có ông Tổ chung, còn mỗi gia đình có tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình. Điều đó thể hiện một phẩm chất cao quý nhất của con người là lòng biết ơn. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” là như vậy.
THANH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: