(Baoquangngai.vn)- Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các họa sĩ đã thả hồn vào những chất liệu đơn thuần, tưởng chừng không có giá trị như quả thông, đất sét... để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.
Thổi hồn vào quả thông khô
Họa sĩ Lâm Thị Minh Nguyệt (32 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), hội viên Chi hội Mỹ thuật (Hội VH-NT tỉnh), một trong những họa sĩ trẻ triển vọng ở Quảng Ngãi hiện nay, với dòng tranh theo đuổi chủ đạo là tranh sơn dầu.
Trong ngôi nhà riêng của gia đình, hằng ngày, chị vẫn dành thời gian để miệt mài làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sự sáng tạo ở chị chưa bao giờ ngừng nghỉ. Dù bận rộn với thiên chức làm mẹ, chị vẫn nghiên cứu làm tranh từ chất liệu quả thông khô, một ý tưởng đã ấp ủ từ lâu.
Chị Nguyệt chia sẻ, trong sự phát triển của mỹ thuật đương đại, bên cạnh các chất liệu truyền thống, có không ít họa sĩ trẻ đang tìm về những chất liệu mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, để cùng thổi vào đó hơi thở thời đại cho những tác phẩm nghệ thuật. Cùng với sỏi, ốc… thì quả thông cũng là một trong những chất liệu có thể tạo ra những bức tranh thân thiện với môi trường, quảng bá được vẻ đẹp của thiên nhiên; đem lại cảm giác sống động, chân thực cho người thưởng thức tranh.
Những tác phẩm mà họa sĩ Lâm Thị Minh Nguyệt (32 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đã thực hiện. |
Để có những bức tranh thông, đầu tiên, chị đặt hàng người dân các tỉnh, thành phố Tây Nguyên một số lượng lớn các quả thông và mang về chọn lọc, làm sạch. Chị phải chọn những quả đẹp nhất vì quả lép thì cánh không bung nên rất khó để đưa kéo vào cắt và lên tranh không được đẹp.
Với đặc thù và hình dạng của quả thông, chất liệu này thường được sử dụng để làm tranh chân dung về phụ nữ, trẻ em hay những bó hoa rực rỡ sắc màu. Đầu tiên, chị Nguyệt dùng sơn acrylic phác họa chân dung với nhiều màu sắc khác nhau trên toan của khung vẽ. Sau đó là sơn màu cho quả thông, cánh của quả thông, chất liệu chính làm nên tác phẩm. Để có màu sơn thật sự chuẩn, chị tô một lớp lót trắng, tiếp đến mới là lớp sơn có màu sắc như mong muốn. Sau cùng, chị dùng keo silicon kết dính cố định vật liệu vào tranh.
Những quả thông được biến tấu thành màu sắc rực rỡ, đa dạng. |
Tác phẩm "Ba mẹ con" được làm từ những quả thông. |
“Hoàn thiện một bức tranh là điều không đơn giản, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ vẽ nền, tô nền đến kết đính các chi tiết nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm được niềm cảm hứng để làm. Ý tưởng và nguồn cảm hứng rất quan trọng, nếu không đủ kiên trì và đam mê thì không thể làm nổi. Có hôm phải thức tới sáng để làm với mạch cảm xúc dâng trào. Trong số những bức tranh đã thực hiện, nhiều tác phẩm phải làm trong hàng tháng trời mới xong. Chính vì thế, giá cả có thể dao động từ vài trăm cho đến vài triệu đồng”, chị Nguyệt chia sẻ.
“Vẽ tranh” bằng đất sét
Có chung niềm đam mê làm tranh bằng nhiều chất liệu đa dạng, khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi tạo dựng được tên tuổi với dòng tranh sơn dầu, tranh mo cau, vẽ tranh trên đá… họa sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền (42 tuổi), cũng là hội viên Chi hội Mỹ thuật (Hội VH-NT tỉnh), đã khám phá, mày mò làm tranh đất sét đắp nổi. Đây là một loại tranh rất được yêu thích, với ưu điểm là nhìn giống như thật, màu sắc tươi tắn và bền bỉ theo thời gian. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, nữ họa sĩ đã cung cấp ra thị trường hàng trăm bức tranh khác nhau. Mỗi tác phẩm là một nét đẹp riêng, không hòa lẫn, với giá khoảng từ 500 nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.
Họa sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền (42 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), thực hiện những tác phẩm tranh đất sét đắp nổi. |
Chị Hiền cho hay, tranh đất sét có sự thể hiện đa dạng từ khung cảnh thiên nhiên, phác họa chân dung cho đến hoa trang trí. Gọi là đất sét nhưng thực tế chất liệu này được làm từ bột giấy, mùn cưa, bột đá, keo, màu và một số phụ gia được pha trộn với nhau mới nặn, tạo hình theo ý muốn.
Quá trình thực hiện tương tự như tranh quả thông nhưng tranh đất sét kỳ công hơn vì có nhiều chi tiết phải nặn, đợi khô vài ngày mới dán vào tranh. Một số chi tiết cần dán trực tiếp vào tranh lúc còn ướt, sau đó để khô mới tiếp tục thực hiện tác phẩm, nhằm tạo ra những chi tiết chìm, nổi đan xen lẫn nhau. Sau cùng là đóng tranh vào khung có mặt kính trong suốt.
Vì quá trình thực hiện khá kỳ công nên độ bền của tranh kéo dài hơn 15 năm. Mãi đến khi nào keo rã ra thì tranh mới hết hạn sử dụng nhưng loại keo này làm bằng mủ cao su nên thời gian sử dụng khá lâu.
Cận cảnh những cánh hoa và lá được thể hiện bằng chất liệu đất sét đắp nổi. |
Tác phẩm về hoa sen được làm từ chất liệu đất sét đắp nổi. |
“Để làm ra một bức tranh đất sét tốn nhiều công sức, từ lên ý tưởng, thiết kế, cho đến gia công để hoàn thành tác phẩm. Thế nhưng, tất cả được làm từ niềm đam mê cái đẹp nên mỗi tác phẩm ra đời là niềm hạnh phúc, khi tài năng, sở thích của bản thân đáp ứng được nhu cầu sử dụng tranh đa dạng của khách hàng. Những bức tranh handmade làm từ chất liệu khác nhau có màu sắc đẹp mắt, đầy tính nghệ thuật, phù hợp để trang trí, giúp không gian nhà ở, phòng làm việc trở nên độc đáo, mới mẻ và ấn tượng hơn. Đây còn là một món quà tinh tế để dành tặng cho bạn bè, người thân trong những dịp đặc biệt”, chị Hiền chia sẻ.
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: