Nét xưa giữa phố

23:55, 08/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nói đến đón Tết nơi phố thị, người ta thường nghĩ đến sự nhộn nhịp, cởi mở và hiện đại. Song, trải qua bao đổi thay của thời gian, TP.Quảng Ngãi vẫn luôn là một đô thị đậm đà bản sắc, với phong vị Tết cổ truyền luôn hiện hữu, làm nên nét đặc trưng của thành phố bên bờ sông Trà.

Gần 20 năm chuyển mình từ thị xã lên thành phố, TP.Quảng Ngãi đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, giúp tầm vóc của đô thị ngày một hiện đại hơn. Thành phố hiện đại, khang trang hơn xưa, nhưng không vì thế mà những tục xưa, nếp cũ, không gian văn hóa đặc trưng của phố thị bị thu hẹp. Cư dân của thành phố bên bờ sông Trà vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa được truyền qua bao thế hệ, đặc biệt là các phong tục truyền thống vào dịp Tết cổ truyền. Sắc màu, hương vị của Tết xưa, giữa phố nay, nhờ vậy, mà luôn đậm nét, khiến không khí Tết ở TP.Quảng Ngãi luôn đặc biệt, đậm đà bản sắc.

Nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) trang trí đón Tết.
Nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) trang trí đón Tết.

Là đô thị, nhưng TP.Quảng Ngãi còn rất nhiều đình làng, nhà thờ tiền hiền như đình làng Sung Tích, nhà thờ tiền hiền thôn Tăng Long, Gia Hòa, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), đình làng Hổ Tiếu, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi). Vào dịp Tết, những nơi này được người dân trang trí rợp bóng cờ, hoa, như lời khẳng định của cư dân phố thị ngày nay, vẫn đời đời ghi ơn Thành hoàng làng cùng các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập ấp, biến vùng đất hoang hóa năm xưa trở thành làng mạc, rồi phố phường ngày nay. Trong các dịp cúng tất niên, cúng đầu năm mới tại các nhà thờ, đình làng, những người tham gia cúng đều mặc áo dài truyền thống ngũ thân. Trong đó, người làm chủ bái mặc áo màu cam, còn người phụ việc mặc áo màu đen. Những bộ trang phục truyền thống được lựa chọn kỹ lưỡng với nghi thức cúng được người dân trao truyền nguyên vẹn qua lớp lớp thế hệ. Khung cảnh Tết xưa được tái hiện rõ nét, ấn tượng qua các nghi thức cúng trang nghiêm, kính cẩn này.

Tại các phường trung tâm của TP.Quảng Ngãi, các dinh, miếu, nghĩa từ... được dựng xây từ cách đây mấy trăm năm, nay vẫn đang được người dân gìn giữ, góp công, góp của tôn tạo, trùng tu. Đó là Nghĩa Hòa tự, tọa lạc ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), có từ hơn 200 năm, được hậu thế tề tựu về dâng hương, trang trí hoa, treo cờ vào dịp Tết. Đó là dinh Bà, được xây dựng ngay dưới gốc cây đa có tuổi đời hơn 200 năm, ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Dinh Bà gắn liền với cây đa cổ thụ đã được công nhận là cây đa di sản, thân to 5 - 6 người ôm không xuể, diện tích độ phủ tán lên đến 500m2, từ lâu đã được người dân nơi đây xem như biểu tượng của vùng đất này.  “Làng giờ đã lên phường. Cây đa di sản như gạch nối, níu giữ hồn quê, trở thành biểu tượng của vùng quê bình yên, dân dã một thời. Chúng tôi vẫn luôn tề tựu về gốc đa cổ thụ, từ 200 - 300 người vào 3 dịp lễ cúng lớn trong năm, gồm: Lễ lên phướn ngày 25 tháng Chạp, lễ hạ phướn ngày rằm tháng Giêng và lễ cúng Thanh Minh ngày 16/3 âm lịch. Điều này khẳng định rằng, dù phố phường đổi thay từng ngày, nhưng những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa, không dễ gì mai một”, ông Bùi Tá Phương, người trông coi, chăm sóc dinh Bà và cây đa cổ thụ tại tổ dân phố 6 chia sẻ.

Ở tổ dân phố Liên Hiệp 1A, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), dù trăm năm trôi qua với nhiều đổi thay, nhưng miếu Ông vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và không ngừng tôn tạo. Vào ngày 25 tháng Chạp, người dân nơi đây cũng trịnh trọng tổ chức lễ lên phướn. Đến ngày 7 tháng Giêng, bà con tổ chức lễ hạ phướn. Có nhiều năm, khi vụ mùa thất bát, bà con thường xuyên gặp ốm đau, tai ương, người làng lại tổ chức lễ tống ôn, thả chiếc thuyền mô hình làm bằng xốp, từ khu vực sông Trà Khúc đoạn ngay phía trước miếu Ông, với mong muốn cầu an, giải trừ những điều không may mắn.

Tại tổ dân phố 6, phường Quảng Phú, vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm, người dân nơi đây vẫn thường tề tựu về dinh Bà để dự lễ lên phướn. Lá phướn ở dinh Bà có màu vàng, dài chừng 6m, được người dân treo trên ngọn của cây nêu, gửi gắm mong ước được bảo vệ bình an trong năm mới. Đến ngày rằm tháng Giêng, người dân nơi đây làm lễ hạ phướn. Cờ phướn sau khi hạ xuống, được xé thành từng miếng nhỏ, trao truyền cho những người đến dự lễ hạ phướn. Những mẩu vải vàng óng này được mọi người nâng niu, xem như biểu tượng của bình an, may mắn.

Vào dịp tết Nguyên đán, người dân  ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) thường tổ chức đua thuyền tứ linh.
Vào dịp tết Nguyên đán, người dân ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) thường tổ chức đua thuyền tứ linh.

Là thành phố vừa có sông, lại giáp biển, nên dịp tết Nguyên đán, TP.Quảng Ngãi có 2 lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống. Đó là lễ hội đua thuyền trên sông Trà Khúc  vào ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng của cư dân vùng sông nước xã Tịnh Long và lễ hội đua thuyền trên biển của ngư dân xã Tịnh Kỳ vào ngày mùng 4 Tết. Sở dĩ gọi là thuyền tứ linh, vì trong cuộc đua có sự tham gia tranh tài của 4 con thuyền, được vẽ, trang trí theo hình tượng tứ linh, gồm: Long, lân, quy, phụng.

Để chuẩn bị cho lễ hội đặc biệt quan trọng này, các cư dân phố thị tuyển chọn rất kỹ thanh niên tham gia đội đua. Các thuyền dùng trong lễ hội, còn được từng thôn kính cẩn thờ cúng, nhang khói quanh năm. Lễ hội đua thuyền tứ linh truyền thống, được cư dân thành phố thay nhau gìn giữ, lưu truyền suốt mấy trăm năm nay, để gửi gắm mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn.
Từ những giá trị văn hóa truyền thống đang được cộng đồng dân cư lưu giữ, truyền đời, TP.Quảng Ngãi cần lấy đó làm điểm nhấn cho sản phẩm du lịch của địa phương mình. Không ít địa phương như Hà Nội, Quảng Nam, Huế... đã thành công với việc khai thác chất liệu văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống làm nền tảng thu hút khách du lịch. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa bằng các đặc trưng văn hóa bản địa không chỉ góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, mà góp phần phục vụ cho công tác bảo tồn. Hãy để hương vị Tết xưa giữa lòng TP.Quảng Ngãi được lan tỏa đến với nhiều du khách hơn nữa, để du khách hiểu hơn về một thành phố không chỉ văn minh mà còn nghĩa tình và có bề dày văn hóa.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 23:55, 08/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.