Hoài niệm một thời

15:48, 12/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước đây, kinh tế tự túc tự cấp, các làng quê ở Quảng Ngãi đâu đâu cũng có người trồng bông dệt vải, đâu đâu cũng có thợ nhuộm, nhà nhà phụ nữ đều biết may vá.

Ngày trước, người dân trồng cây bông vải, hái lấy bông, phơi giũ, xe sợi trước khi đem vào dệt ở khung cửi. Tấm vải dệt thủ công xong có màu trắng của bông tự nhiên. Muốn vải có màu khác thì phải nhuộm. Cây chàm trồng ngoài đồng được cắt cành lá mang về, nấu cho ra màu, xong nhúng vải vào nhuộm rồi đem phơi, vải có màu xanh tối, gọi là màu chàm.

Dệt vải, ký họa của Oger thời Pháp thuộc. Ảnh: TL

Nhuộm chàm phổ biến ở khắp nước ta. Riêng ở Quảng Ngãi, cây chàm được trồng ở nhiều nơi, mà dấu vết là địa danh Lam Điền, nay thuộc xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Lam Điền nghĩa là ruộng trồng chàm. Trong "Quảng Ngãi tỉnh chí" (Nam phong tạp chí 1933) có chép: “Nghề dệt: thao, lụa, lĩnh, xuyến, lương ở các làng Chánh Lộ, Thanh Khiết, Phú Thọ đều thuộc phủ Tư Nghĩa, làng Sung Tích thuộc phủ Sơn Tịnh, làng Châu Tử, Ngọc Trì thuộc phủ Bình Sơn, làng Kim Thành thuộc huyện Nghĩa Hành, làng Thạch Bi, Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ... Dệt vải thì phần nhiều ở các làng đều có dệt thứ vải ta”.

Vải và các hàng hóa cùng loại như lụa, lĩnh, gấm thời xưa từ Trung Quốc đã nhập vào bán ở Quảng Ngãi, đặc biệt dùng để đổi quế ở nguồn Trà Bồng. Vải dệt theo lối công nghiệp đã du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Thời kháng chiến chống Pháp, theo chủ trương đường lối kháng chiến “tự lực cánh sinh” nên phong trào tự túc được nêu cao, trong đó có tự túc về vải mặc.

Theo tác giả Nguyễn Đức Trọng trong sách “Sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng kinh tế của nhân dân Quảng Ngãi” (NXB Thanh niên, 2005), một số xã ở huyện Đức Phổ trước đây vốn chuyên nghề kéo sợi, sau đó mở rộng trong toàn tỉnh. Năm 1953, có đến 30 nghìn người làm nghề kéo sợi, đủ cung ứng sợi cho nghề dệt vải trong tỉnh, khung dệt khổ rộng có 325 cái, khổ hẹp có 850 cái, mức sản xuất đạt 100 tấn (năm 1954). Bông trồng cũng được dệt thành vải si-ta nổi tiếng thời chống Pháp. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu may mặc trong tỉnh, còn cung ứng vải cho Gia Lai, Kon Tum... 

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê, ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ). Ảnh: PV

Sau chiến tranh, nghề dệt nhuộm truyền thống hầu như không còn ở Quảng Ngãi. Duy ở miền núi còn dệt thổ cẩm ở Làng Teng của đồng bào Hrê huyện Ba Tơ. Ở đồng bằng người ta còn trồng dâu nuôi tằm lấy tơ ở Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), ở các làng gần đó như Mỹ Hưng, An Ba, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) và một số nơi khác.

Về máy may, trước năm 1975, xuất hiện máy may Nhật nhãn hiệu con bướm. Loại máy may này có ở tiệm cắt may, chứ trong từng gia đình hầu như không ai mua sắm. Ở các làng quê, nhiều người hoàn cảnh khó khăn nên may quần áo bằng cách may tay. May tay là cách người ta chỉ dùng cây kim xỏ chỉ (nhiều khi là sợi lá gai, sợi lá dứa được xước lấy sợi) để ráp thành áo quần sau khi đã đo cắt. Vải ta và may tay thường may trang phục bình dân như áo quần bà ba, áo vạt hò, quần đùi. Mỗi người cũng chỉ được vài ba bộ quần áo là cùng, mà phải lao động nặng, dầm mưa dãi nắng, cây kéo gai cào nên quần áo mau mục rách. Áo rách thì phải tìm một miếng vải cùng màu khâu vá lại, nhưng vải áo đã quá bở lại rách tiếp, nên phải “vá chằng vá đụp”. 

May vá được coi là công việc của người phụ nữ trong gia đình, người nào dở khâu may vá ắt sẽ bị chê bai. Mà trong gia đình, những người lớn tuổi hay đảm nhiệm việc vá quần áo, thế mới có câu “Đã bà thì phải ngồi khâu!”. Đã qua rồi cái thời các gia đình tự may vá, ngày nay, chỉ cần ra cửa hiệu là có ngay bộ trang phục ưng ý. Dệt may thuở trước đã đi vào trong ký ức của nhiều người, là hoài niệm về một thuở cuộc sống khó khăn và sự hăng say lao động, sáng tạo của con người.

CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:48, 12/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.