Phát huy giá trị các di tích 

18:42, 25/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, gắn với phát triển du lịch, chính quyền các cấp và ngành chức năng của tỉnh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, đề ra các giải pháp thu hút du khách. 

 
Đầu tư tôn tạo di tích 
Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), vừa được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Công trình do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Sau hơn 2 năm triển khai, công trình đã hoàn thành xây dựng mới đền thờ, xây dựng mới nhà tả vu, hữu vu, nhà bia, khu lăng mộ, tường rào, bãi đỗ xe; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật...
Công trình Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở  phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đã xây dựng hoàn thành, phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Công trình Di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đã xây dựng hoàn thành, phục vụ nhu cầu của khách tham quan.

Anh Bùi Phụ Minh, con cháu tộc họ Bùi ở phường Quảng Phú chia sẻ, từ khi được đầu tư khang trang, di tích đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan. Đặc biệt vào các ngày giỗ, Tết có hàng nghìn con cháu trong dòng họ, du khách đến tham quan, tưởng nhớ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán.

Còn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ), dự án đường vào khu di tích thuộc địa phận xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh cũng đã hoàn thành. Tuyến đường có chiều dài 1.748m, tổng kinh phí xây dựng 49,7 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Tuyến đường đã góp phần kết nối hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Anh Huỳnh Chí Cường cán bộ phụ trách Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh cho biết, từ ngày có con đường mới, có bãi đậu xe rộng, ô tô ra, vào đưa đón khách được thuận lợi. Tại đây, các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên, thu hút rất đông du khách đến tham quan. 

Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, 
ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).
Du khách tham quan Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

UBND tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư gần 30 tỷ đồng để tu bổ Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Di tích cấp quốc gia chùa Ông, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cũng đang được triển khai trùng tu, tôn tạo, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.

Du khách nước ngoài tham quan Khu Chứng tích 
Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Du khách nước ngoài tham quan Khu Chứng tích Sơn Mỹ, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).

Trong năm 2023, Sở VH-TT&DL triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: Đình làng An Hải, Đình làng An Vĩnh (Lý Sơn); Di tích trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (Nghĩa Hành); Di tích Quốc gia Mộ và nhà thờ Trần Cẩm (Mộ Đức). Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL đang triển khai đầu tư dự án Khu bảo tồn Làng văn hóa truyền thống dân tộc Cor tại huyện Trà Bồng. 

Gắn với phát triển du lịch 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng cho biết, việc tu bổ, tôn tạo các di tích nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, góp phần phát triển du lịch.

Để bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND về Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Đề án nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng cho các thế hệ mai sau. Khai thác các giá trị lịch sử văn hóa của các di tích, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển kinh tế du lịch của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) 
tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, 
ở xã Đức Tân (Mộ Đức).
Học sinh Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ở xã Đức Tân (Mộ Đức).

Toàn tỉnh hiện có 258 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 33 di tích cấp quốc gia, trên 160 di tích cấp tỉnh. Có 3 bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Các khu di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia như: Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định... ngày càng phát huy giá trị, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. 

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng lĩnh vực VH-TT&DL tại các địa phương vẫn còn thiếu đồng bộ, cần nguồn lực đầu tư lớn. Từ đề xuất của các địa phương, Sở VH-TT&DL sẽ tính toán lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích. Ưu tiên trùng tu các di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, rồi đến các di tích cấp tỉnh. 

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:42, 25/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.