(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa, để duy trì trật tự, nền nếp trong xã hội, mỗi làng, địa phương đều đưa ra quy định với nhiều hình thức xử phạt nghiêm minh, nhất là đối với tội tham nhũng.
Hình thức xử phạt của lệ làng
Lệ làng được văn bản hóa bằng hương ước ghi lại các điều, khoản sao cho phù hợp với từng địa phương. Tùy theo từng mức độ vi phạm, làng sẽ có các hình thức xử phạt khác nhau. Đối với người trong làng, ai chứa chấp tội phạm, trộm, cướp, làm mất danh dự của làng đến mức phải kiện cáo, thì sẽ bị phạt tiền, hiện vật như trâu, heo, gà, trầu, rượu, gọi là “phạt vạ”. Cũng có trường hợp, làng bắt người vi phạm nộp một khoản tiền, rồi tất cả nam giới trong làng đến nhà “ăn vạ”, người có tội phải chịu tổn phí.
Quan viên thời xưa xử án. ẢNH: TL |
Người nào làm hại đến quyền lợi, của cải riêng của người khác cũng như của làng thì phải bồi thường thiệt hại, nếu không chịu phạt, sẽ bị xử nghiêm khắc hơn. Người xưa thường phạt đòn roi nhằm làm cho kẻ vi phạm “đòn đau nhớ đời”, đánh roi ở sân đình để răn đe kẻ khác. Đối với dân thường bị đánh 30 roi, còn những người có ngôi thứ trong làng làm càn sẽ bị phạt tiền, đánh 50 roi và hạ ngôi thứ tùy theo bằng cấp, tuổi tác, theo đó mà quyền lợi, danh dự trong làng cũng bị mất.
Hình phạt nặng nhất là “đuổi ra khỏi làng” với các tội: Bất hiếu với cha mẹ, tham ô tiền công quỹ, trốn lính không gánh vác trách nhiệm, cậy quyền thế đòi hỏi sách nhiễu dân làng. Với người Việt xưa, làng là tất cả, làng là nơi có ruộng vườn. Ở làng, ngoài tình cảm anh em, họ hàng, còn có tình làng nghĩa xóm. Họ không chỉ được làng bảo đảm cho những quyền lợi về nhân khẩu ruộng đất công, phần chia biếu, vị trí ngôi thứ trong làng, mà còn được người dân trong làng quan tâm giúp đỡ lúc khó khăn.
Cách xử phạt của làng nhẹ hơn so với quy định xử phạt của pháp luật nhà nước phong kiến, thể hiện ở chỗ lệ làng không có hình thức xử phạt cao nhất là tử hình. Lệ làng được ban hành để gìn giữ trật tự, nền nếp trong làng. Tuy vậy, lệ làng của người xưa cũng có nhiều điều khắc nghiệt, khiến người dân trong làng vất vả, đau khổ.
Xử lý nghiêm với tội tham nhũng
Đối với quan lại tham nhũng, tùy theo mức độ vi phạm mà các triều đại phong kiến ban hành các hình luật xử lý để răn đe cho thỏa đáng. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép: Dưới thời vua Lê Thánh Tông, trong 37 năm trị vì (1460 - 1497) đã ban 10 sắc chỉ để kiểm tra, xử lý các quan lại nhà nước vi phạm về tội tham nhũng. Năm 1483, ban ân xá cho nhiều loại tội phạm, nhưng riêng tham nhũng thì xếp vào hàng đại nghịch không được hưởng khoan hồng. Bộ Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) thời vua Lê Thánh Tông xử rất nặng việc tham ô. Điều 38 của bộ luật quy định: “Quan tham ô từ 1 đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém”.
Thời Nhà Nguyễn có bộ “Hoàng Việt luật lệ” ban hành dưới triều vua Gia Long, hay còn gọi là Luật Gia Long, đề cập nhiều đến hình thức xử phạt tội tham nhũng. Luật Gia Long có 398 điều, trong đó có 79 điều quy định riêng đối với các tội tham nhũng. Điều 31 của luật quy định, quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Về tội biển thủ, điều 392 quy định: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư kho cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà nếu tang vật thu được lên đến 40 lượng thì bị chém”. Năm Gia Long thứ 17, chỉ dụ rằng: “Phan Tiên Quý là tên giám lâm mà đục khoét của dân, số tang rất nhiều, tội đáng xử tội giảo đem hành hình ngay. Lại truyền xuống cho các thành, doanh, trấn, phủ, huyện đều biết để làm răn”.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Bộ Hình tâu lên bản án về việc tên Lê Văn Lễ là cai đội coi giữ cửa biển Đà Nẵng tội tham nhũng. Chỉ dụ: “Tên Lê Văn Lễ nên chiếu thuật luật, tính số tang vật hơn 4 lạng bạc ấy chia đôi ra mà xử phạt 100 trượng, bãi chức, rút tên trong sổ không bổ dụng nữa”. Hay như bản án tên viên quan Phủ Nội vụ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác, đem ra Bộ Hình nghị án. Bộ Hình kết Hữu Diệm án đi đày. Nhưng vua Minh Mạng chỉ dụ, nay tên Hữu Diệm dám công nhiên lấy trộm cả cân vàng, nay lệnh giải ngay Hữu Diệm đến chợ Đông Ba chém đầu để răn đe những người khác có ý định phạm tội.
Thời Tự Đức, tháng 12 năm 1854 khi thương nhân Hoa kiều là Chu Trung gửi đơn tố giác nhiều quan lại địa phương ăn đút lót của thương thuyền ngoại quốc, vua liền sai Quản viện đô sát đến Quảng Nam thanh tra làm rõ, thì chuyện là có thật. Chiếu theo Luật Gia Long, có tới 17 người bị xử tội treo cổ, 25 người bị lưu đày, 12 người bị tội lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức...
VÕ MINH TUẤN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: