(Báo Quảng Ngãi)- Tên hẻm Mơ có từ bao giờ người ta cũng không còn nhớ nữa, chỉ nhớ giữa một thành phố ồn ào khói bụi, hẻm Mơ lặng lẽ ở đó, dịu dàng nên thơ với bốn mùa xôn xao hoa cỏ. Rẽ vào hẻm, mọi thứ bất chợt lắng lại nhường cho tiếng bầy chim sẻ ríu ran trên mái, những mảng tường rêu bên vòm dây leo đan xen xanh ngắt rực lên những màu hoa, đẹp đến ngỡ ngàng.
Hẻm Mơ sâu hun hút, bề ngang nhỏ đến nỗi hai chiếc xe máy chạy ngược chiều nhau, một chiếc phải dừng lại nép qua nhường đường. Hẻm nhỏ, đất cũng chẳng rộng nên hầu như nhà nào ở đây cũng tận dụng tầng thượng để làm vườn. Những cái thùng xốp chẳng bỏ đi bao giờ, người ta gieo vào đó đủ các loại rau, hoa cũng được trồng trong những chậu nhựa đủ màu. Giữa tấp nập ồn ào, rẽ vào hẻm Mơ thấy như bước vào một thế giới khác, nhẹ nhõm, trong lành.
Mây đến hẻm Mơ thuê trọ. Phòng trọ là căn gác xép nhỏ như cái chuồng chim, chật chội nhưng khá yên tĩnh, giá lại rẻ, phù hợp với một đứa con gái tỉnh lẻ như cô.
Mới đầu tháng Tư trời đã nóng như đổ lửa, nhưng nhờ giàn dây leo nên căn gác của Mây cũng dịu đi phần nào. Đêm đầu tiên cô ngồi làm việc, nghe trong gió thoảng mùi dạ lý hương ngọt ngào từ vườn nhà ai lãng đãng. Về khuya, cơn buồn ngủ kéo mi mắt nhíu lại, cô đứng dậy ra ban công nhìn lên khoảng không nhỏ xíu. Chợt có tiếng hát từ đâu vẳng lại, giọng đàn ông trầm ấm, lát sau bỗng ngưng bặt.
Cô quay vào tắt đèn và lên giường. Trăng mười sáu xuyên qua khe cửa một vệt dài, tiếng con thạch sùng tặc lưỡi trong bóng tối. Cô thiếp vào giấc ngủ miên man êm trôi, lơ mơ có tiếng rì rầm trò chuyện, cô bật dậy lao ra, tiếng rì rầm vẫn đều đều vọng lên từ dưới mái hiên cách gác trọ không xa. Bóng một người đàn ông ngồi xổm ôm chú chó đang rũ xuống, nó rít lên tiếng kêu đau đớn. Người đàn ông rì rầm như dỗ dành rồi ngửa mặt khóc rưng rức. Chứng kiến cảnh tượng lạ lùng đó, cô vội khép cửa, yên lặng nhìn ra bóng đêm.
Vừa ra khỏi con hẻm chật chội, Mây thấy bên kia đường có đám đông xúm lại, tiếng tụi trẻ con cười ré lên: “Hát đi! Hoàng tử Khờ hát đi!”. Trên vỉa hè, một người đàn ông gầy gò trong chiếc áo thun nhàu nhĩ ngồi bệt dưới đất, chiếc khăn sặc sỡ quấn trên đầu kiểu người Hồi giáo, trong túi áo người đàn ông có mớ hoa dại còn tươi như vừa hái đâu đó. Ông say sưa hát, đầu lắc lư dưới cái nắng oi nồng, bàn tay cáu bẩn chốc chốc lại quệt những giọt mồ hôi đang tuôn thành dòng trên trán. Cạnh ông, chú chó lông vàng xác xơ đứng nép vào, giương đôi mắt ngơ ngác nhìn những đứa trẻ xung quanh. Bất thần một đứa con trai nghịch ngợm lao đến giật nhành hoa trong túi áo ông rồi hí hửng quay sang đám bạn reo lên như vừa lập được chiến công. Người đàn ông thôi hát, đầu gục xuống như chịu trận, lát sau ông ngẩng lên giương đôi mắt u buồn nhìn thằng bé nhưng miệng vẫn cười, nụ cười méo mó đến thảm thương. Ông hiển hiện giữa một phố thị ồn ào như người đi lạc từ thế giới nào khác đến đây. Tiếng ha ha vẫn rộn lên, những đứa trẻ càng được dịp cười hỉ hả, từ quán cơm bên đường tiếng một người đàn bà vọng ra.
“Mấy đứa thôi đi! Thấy người ta hiền rồi chọc hoài!”. Đoạn, bà đưa tay vẫy ông Khờ: “Vô lấy mấy cục xương về cho Minu nè!”.
Người đàn ông vội vàng đứng lên, quay ra hớn hở với bịch ni lông đựng những cục xương thừa. Tụi trẻ con lại hò hét: “Có xương rồi thì hát đi! Hát nữa đi!”.
Mây gạt chân chống xe đến bên mấy đứa trẻ nhẹ nhàng kéo chúng ra: “Thôi đi, các em!”.
Một đứa con trai trông nghịch ngợm nhất bọn ngước lên kể: “Cô mới tới ở nên không biết thôi, ông Khờ chuyên đi hát dạo để xin cơm với xương về nuôi mấy con chó ở nhà". "Ở đâu người ta vất chó ổng cũng đem về nuôi hết trơn”, đứa khác phụ họa. Chúng bỏ đi, để lại dưới đất mớ hoa cỏ vương vãi, người đàn ông lúc này mới ngẩng lên nhìn cô, môi mấp máy.
- “Ông cần tôi giúp gì không?”, cô hỏi.
Người đàn ông lắc đầu, tay mân mê bịch ni lông đựng những cục xương trộn lẫn với cơm thừa, con chó đứng bên cạnh ngước nhìn ông bằng đôi mắt chờ đợi, nước dãi nó ứa ra. Chợt ông quay qua lắp bắp: “Mà cô... cô tên gì vậy?”. “Tôi tên Mây”. “Mây! Hay quá! Tóc Mây!”, ông ngây ngô cười như một đứa trẻ. “Còn ông, ông tên gì?”, cô hỏi.
Người đàn ông sững lại, ngơ ngác một lúc rồi thốt lên: “Tôi... tôi tên Khờ”, ông trả lời, đôi mắt mở to rợp hàng mi đen dày, buồn như hồ nước đêm. Cô nhìn thấy trong đôi mắt đó chứa đựng bao khổ đau, hạnh phúc, cô đơn và cả tuyệt vọng. Nhưng thật lạ, nó thanh thản đến diệu kỳ! Người đàn ông di di ngón chân cái dưới lề đường, cúi nhặt những nhành hoa vương vãi cho vào túi áo rồi đứng lên thất thểu bước đi, đôi vai gầy rũ xuống như cánh chim, sau lưng ông, con chó vàng lẽo đẽo đi theo, vừa đi vừa khịt mũi vẻ sốt ruột. Cô nhìn theo cái dáng cao gầy liêu xiêu trong chiều nhạt nắng. Đến hẻm Mơ, con chó vụt phóng lên trước rồi rẽ vào, người đàn ông lững thững theo sau. Ồ! Hóa ra họ sống cùng trong con hẻm với mình… Cô thấy vui vui vì sự phát hiện mới mẻ này.
Tan tầm, Mây chạy xe chầm chậm trên con đường rợp những cánh bằng lăng tím biếc, đến đoạn rẽ vào hẻm Mơ, một đám đông đang túm tụm bên đường, không xôn xao, không tiếng nói cười ồn ã, ai nấy lặng phắc đến khó hiểu.
Ông Khờ ngồi bên vệ đường, đôi vai gầy rũ xuống ôm chú chó vào lòng. Tim cô chợt thắt lại khi nhận ra con Minu, đôi mắt nó trừng trừng có vẻ đau đớn, cổ nó ngoẹo sang một bên, miệng tru lên từng hồi thảm thiết. Trong đám đông có tiếng xầm xì.
“Tội nghiệp, con chó bị đánh bả chắc không qua khỏi”. “Nó khôn lắm, đi theo ông Khờ kiếm thức ăn mang về nuôi mấy con chó nhỏ ở nhà”. “Con này ông Khờ nuôi lâu nhất"... Mỗi người một câu kể lể. Những đứa trẻ thường ngày trêu chọc ông giờ cũng lặng lẽ, có đứa lại gần vuốt ve bộ lông xác xơ của Minu, mắt ngân ngấn nước.
Mặc kệ đám đông, ông Khờ chầm chậm đứng lên đi về phía cuối đường, dáng đi thất thểu như chực sụm xuống nhưng tay vẫn ôm chặt con Minu vào lòng, ấp iu. Cô đứng yên nhìn theo đôi chân trần đen đúa xa dần, trên vai ông, đầu con Minu ngoẹo xuống như ngủ. Cô chợt nhận ra sau lớp bụi đời điên dại và cáu bẩn kia, một tâm hồn trong trẻo thiện lành, trong khốn cùng vẫn không ngừng yêu thương một sinh linh đã không còn nữa.
...Từ chỗ làm trở về, cô ăn qua loa bát cơm rồi vội vàng ra ga đón tàu, chuyến nghỉ phép dài ngày cô dành để về quê. Tàu chầm chậm rời ga, giữa đám người lố nhố có bóng một người đàn ông cao gầy cúi xuống bên chú chó lưng trơ những đốt xương sườn, vẻ mặt ngơ ngác nép vào cột điện nhìn dòng người qua lại. Cô nhận ra ông Khờ nhờ chiếc khăn trùm đầu sặc sỡ, ông cúi xuống bên chú chó, chìa ra bàn tay đen đúa. Tiếng còi tàu đột ngột tu lên một hồi dài, chú chó hốt hoảng lùi lại nhìn ông đầy cảnh giác. Đoàn tàu lăn bánh, trong ráng chiều chạng vạng cô chợt thấy xốn xang khi nhận ra bàn tay ông Khờ đã chạm được vào chú chó. Ra khỏi sân ga, đoàn tàu lao nhanh, bóng ông Khờ lúc này chỉ còn là một chấm nhỏ chìm dần vào bóng chiều hôm.
Ngày trở lại thành phố cô mang theo trong chiếc túi lỉnh kỉnh các thứ quà quê, trong đó còn có một chú chó nhỏ xinh ngồi gọn lỏn. Về đến phòng trọ, việc đầu tiên cô là mở cửa cất đồ đạc rồi ôm chú chó đi về phía căn nhà cuối hẻm. Bên trong cánh cửa sắt khép hờ ánh đèn vàng vọt hắt ra, rọi lên tường rào lưa thưa những cánh hoa đậu biếc. Lúc này cô mới có dịp quan sát, ngôi nhà mang dáng vẻ cổ xưa, mái vòm lợp ngói lâu năm thẫm lại trên bức tường vôi loang màu.
“Cô tìm ai?”, người đàn bà trung niên lạ hoắc đi ra. “Dạ, cháu tìm... ông Khờ”, Mây ngắc ngứ chưa biết giải thích ra sao. “Chủ nhà này bán lại cho tôi rồi, họ dọn về ngoại ô cách đây chừng mười cây số”, người đàn bà trả lời, nhìn chú chó nhỏ trên tay cô như hiểu ra, bà sốt sắng: “Để tôi cho địa chỉ nhà mới của mẹ con ông ấy”.
Cầm mẩu giấy ghi vội địa chỉ, Mây chào người đàn bà rồi quay đi. Ra đến đầu hẻm, cô ngoái lại nhìn căn nhà cũ của ông Khờ một lần nữa. Trong ráng chiều, căn nhà thẫm lại một màu xám buồn thiu, cô chợt nhận ra, đến một ngày nó cũng trở thành nơi náu mình của những giấc mơ. Nơi ngã tư đường bác xe ôm gà gật chờ khách, sau lưng cô chú là chó nhỏ lắc lư trong chiếc địu xinh xắn, nó ngơ ngác nhìn phố xá sửa soạn lên đèn.
“Bác cho cháu về làng Vân!”
Bác xe ôm vội vàng cài nón bảo hiểm, ra hiệu cho cô lên xe.
Cô ngồi phía sau, nghe trong gió sông quyện về ràn rạt mùi tanh nồng âm ấm, phía chân trời, những ráng đỏ cuối cùng rực lên giữa muôn trùng. Xe chạy ra ngoại ô, đêm cũng vừa buông, trên cao bồng bềnh một mảnh trăng lưỡi liềm cong cong ngọt ngào. Mây gỡ chiếc địu ôm chú chó vào lòng, nó háo hức nhìn quanh, chiếc đuôi bé xíu ngoe nguẩy như reo vui. Cô cúi xuống thầm thì: “Em sắp được về nhà mới rồi, ở đó ấm lắm!”
VŨ NGỌC GIAO