Truyện ngắn: Ngõ nhỏ

18:10, 13/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngõ phố nhỏ nơi tôi ở có khoảng chục ngôi nhà chạy dọc hai bên. Phố gần vùng ngoại thành nên đất đai rộng rãi, nhà nào cũng có một mảnh vườn nhỏ và ban công xanh mướt, chim chóc ríu ran mỗi chiều. Ban ngày, nhà tôi thường mở cửa đón khách. Khi thì các cụ đến xin bà tôi mấy quả cau hay vài lá trầu sẵn trong vườn, khi thì mấy cô giúp việc trong khu phố đưa bọn nhỏ qua chơi với thằng Bon cháu tôi. Cũng có khi cửa mở chỉ để cho thoáng nhà, để ông ngồi trong sân đỡ vướng tầm nhìn ra cuối phố. Ba mươi năm tôi lớn lên và gắn bó với con phố nhỏ đong đầy hoài niệm và ký ức về một người con gái.

Ngày trước, ngõ phố này hệ thống thoát nước còn rất kém nên cứ mưa to là ngập bì bõm, phải vất vả dắt xe từ đầu phố đi vào. Tôi và Hiên thường lén bố mẹ chạy chơi ngoài mưa. Nước ngập đến ngang hông, chúng tôi vừa chạy nghịch vừa thở hổn hển nhưng không hiểu sao vẫn thích. Chúng tôi cười hồn nhiên và trong trẻo dù nhiều hôm sau trận nghịch mưa thỏa thích, về nhà Hiên thường bị đánh đòn. Tôi đứng trên ban công nhà mình, nghe từng tiếng roi chạm vào tim để rồi biết thương Hiên từ đó. Dĩ nhiên đó chỉ là tình thương thuở con nít, hồn nhiên và trong sáng.

 

Nhà Hiên giàu nhất phố, cũng là ngôi nhà luôn đóng kín cửa kể cả những ngày hội đình, cờ treo đỏ phố, trống vang khắp nơi, nhà nhà ùa nhau ra đường xem hội. Hiên cũng hay bị nhốt trong nhà. Sau giờ đi học về, Hiên hay ngồi trên ban công nhìn xuống đường xem lũ con trai chúng tôi chơi đá bóng, còn bọn con gái chơi nhảy nụ. Thi thoảng nhìn thấy một cảnh tượng thích thú nào đó Hiên thường phá lên cười. Chúng tôi quen với cảnh có một cô bạn đang quan sát mình từ trên cao. Mỗi khi đá vào gôn đội bạn một quả, tôi lại vênh mặt nhìn về chỗ Hiên đầy hãnh diện. Hiên giơ hai bàn tay vẫy mạnh để cổ vũ chúng tôi, thi thoảng còn ném trộm đồ ăn xuống dưới. Cũng có những hôm Hiên ngồi nhìn người qua lại bên cửa cổng. Hiên ngồi bên trong, tôi ngồi bên ngoài nói với nhau đủ thứ chuyện...

Năm Hiên mười bảy tuổi, Hiên bị tai nạn phải nằm liệt giường một thời gian khá lâu. Ban công nhà nàng đối diện ban công nhà tôi. Ngày nào tôi cũng ra đó đứng chờ nàng nhưng chỉ nghe thấy tiếng cằn nhằn của bà giúp việc và tiếng khóc thét có lẽ vì quá đau đớn của nàng. Rất nhiều ngày sau đó tôi mới đủ can đảm bấm chuông nhà Hiên, bác giúp việc nhìn tôi bằng ánh nhìn dò xét. Khi tôi bước vào ngôi nhà ấy, đứng trước bao con mắt tò mò khác lạ, tự nhiên tôi thấy thương Hiên vô cùng trong sự đơn độc ấy. Lúc mở cửa phòng Hiên, tôi bắt gặp cảnh tượng nàng đang bấu vào thành giường, cố gắng nhích từng bước về phía ban công. Từ hôm ấy ngày nào tôi cũng qua nhà dìu Hiên tập đi cho đến khi đôi chân đầy sẹo của nàng có thể đi lại bình thường được. Hồi đó Hiên hay bảo:

- Chân xấu thế này sao còn dám mặc váy đi đâu nữa chứ.

- Có sao đâu nào. Chỉ cần mặc váy dài chút xíu là được. Anh thấy có sẹo lại duyên hơn đấy.
Hiên cười, nụ cười buồn, mắt mọng nước như chực khóc. Tôi sờ tay vào những vết sẹo của Hiên, cảm thấy nàng bé nhỏ và tội nghiệp biết bao.
 
* * *

Năm tôi vào đại học thì nàng cùng gia đình chuyển đi trong đêm không một lời từ biệt. Có rất nhiều đồn thổi về sự ra đi ấy. Người thì bảo do công ty của bố Hiên phá sản, nợ nần nhiều nên phải trốn đi. Người thì bảo gia đình Hiên bán nhà trang trải nợ nần rồi về quê sinh sống. Hỏi quê nàng ở đâu không ai biết. Tôi nhớ Hiên quay quắt bằng sự cồn cào xen lẫn giận hờn, bực dọc, như thể tôi bị đánh lừa ngủ một giấc dài lúc tỉnh dậy người ta đã lấy mất đi thứ tài sản vô cùng quý giá mà không để lại bất cứ dấu vết gì. Có đôi lúc tôi trách nàng sao không nói với tôi một lời nào về sự ra đi ấy. Tôi biết tìm nàng ở nơi đâu?

Tôi ra trường, đi làm được bốn năm, quen biết nhiều cô gái xinh đẹp, dịu dàng, cá tính và hài hước... Nhưng tôi chẳng thể mở lòng với bất kì ai, lòng không thôi nguôi ngoai khi nghĩ về nàng. Nếu Hiên ra đi chào từ biệt một câu, hứa với nhau sẽ sống tốt, thì có thể tôi đã không nhớ em nhiều đến vậy. Phố nhỏ của tôi, đêm đêm vẫn sáng đèn chờ một bước chân trở về.

Tôi nhận được quyết định cơ quan cử đi học thêm ở nước ngoài hai năm. Khoảng thời gian ở trời Tây, thiếu thốn tình cảm và nỗi nhớ quê hương, tôi kết bạn với một cô gái Việt rồi yêu nhau lúc nào không biết. Không phải tôi đã quên hẳn Hiên mà chỉ đơn giản là tôi đã thực sự vô vọng, thực sự cần đến một mái ấm gia đình, nhất là khi gia đình luôn thúc giục.
Tôi trở về nước không bao lâu sau thì làm đám cưới. Lúc đi đón dâu, tôi ngước lên ban công nhà nàng, không hiểu sao tim lại nhói đau. Lúc nâng váy cho cô dâu khi bước lên xe hoa tự nhiên nghĩ đến những vết sẹo và ước mơ mặc váy của nàng. Tự nhiên lại nhớ nhung đến lạ...

 * * *

Các hộ dân trong khu phố nhỏ của tôi đã nhận được quyết định giải tỏa để xây chung cư. Tôi đứng trên ban công nhìn ra cuối phố lòng đắng lại. Tự nhiên một câu hỏi cứ vang lên trong tâm trí tôi, mai đây nếu Hiên muốn trở về, thì sao tìm thấy phố? Chợt tôi thấy nhớ vũng nước ngày mưa, nhớ ban công rực rỡ sắc màu hoa giấy của nàng. Nhớ những cánh cổng mở toang luôn chào đón khách. Và nhớ cái chiều nào Hiên ngồi bên trong cửa cổng, tôi ngồi bên ngoài hai đứa tíu tít, rì rầm biết bao nhiêu chuyện. Mai này ở đây sẽ mọc lên một tòa chung cư đồ sộ với rất nhiều cửa kính giống nhau, cửa đóng then cài. Muốn ghé chơi nhà ai phải đi cầu thang máy rồi bấm chuông ầm ĩ. Rồi sẽ chẳng ai nhận ra ngõ phố nhỏ thân quen này nữa, chỗ nào mấy đứa con nít quần đùi, cởi trần tranh nhau một quả bóng đã xì hơi...

Tất cả mười hộ trong khu phố đều dùng dằng không muốn chuyển đi. Chỗ ở mới cũng rất tốt lại gần trung tâm hơn nhưng ai cũng nuối tiếc nơi cả gia đình, bao thế hệ từng gắn bó mấy mươi năm. Vợ tôi chăm chỉ thu dọn mọi thứ đến nơi mới một cách phấn khởi. Cô ấy bảo ở đó tiện cho việc đi làm cũng tiện cho con cái học hành sau này. Tôi nhìn vợ mà thấy lòng chạnh buồn. Mấy con chim trong lồng khi được bố xách đi thì thi nhau đập cánh bay loạn xạ. Tôi ở lại sau cùng, ngủ một đêm khi không còn cả giường chiếu, nằm im nghe tiếng phố nhỏ lặng thinh. Đêm đó sao mà sâu đến vậy...

 * * *

Tình cờ tôi gặp lại Hiên vào đúng ngày dự lễ khánh thành tòa chung cư mới. Nàng bây giờ đẹp đến ngỡ ngàng. Hiên nói do hồi đó công ty bố nàng bị phá sản nên cả nhà đã vào Nam gây dựng lại sự nghiệp. Nàng biết tôi đã có bằng tiến sĩ, đã lấy vợ và còn chuẩn bị được lên chức bố. Nàng biết nhà ông Hùng mới trúng thưởng mấy trăm triệu đồng trong đợt quay số may mắn của ngân hàng. Còn biết cả cô Hồng nhà bà Bảy mới bị sảy thai do tai nạn trên đường về quê ngoại. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi phải ngỡ ngàng, thế mới biết nàng vẫn còn yêu phố nhỏ rất nhiều.

Ngày gặp lại chúng tôi như trẻ nhỏ vậy, ngồi trong quán cà phê đối diện chung cư mới, nàng chỉ về khu để xe bảo:

- Chỗ kia bãi đá bóng của các anh đó. Nhớ không?

Tôi chỉ về ô cửa kính tầng ba nói:

- Chỗ đó ban công nhà em.

- Và cả giàn hoa giấy nữa chứ. Tiếc thật!

- Sau này, độ khoảng năm, mười năm nữa có thể chúng ta chẳng nhận ra những nơi chúng ta từng đi qua, những kỷ niệm gắn liền với từng góc nhỏ. Rồi sẽ có rất nhiều những tòa nhà chung cư như thế này được xây lên.
Rồi nàng im lặng rất lâu. Mắt sũng buồn. Tôi bảo nàng:

- Sao đến giờ này em vẫn chưa yêu ai vậy? Con gái cũng có thì, không yêu nhanh em sẽ già nua và xấu xí lúc nào không biết đấy.

Nàng đùa:

- Chắc tại em không biết mặc váy, không gợi cảm nên không ai yêu chăng?

- Những vết sẹo đó hả? Em biết Madeline Mitchell không?

- Là một bác sĩ thẩm mỹ à?

- Không! Là một người đẹp đã giành ngôi vị quán quân cuộc thi hoa hậu ở tiểu bang Alabama đấy, trong khi cô ấy phải chịu ảnh hưởng từ một tai nạn xe hơi khủng khiếp với đôi chân đầy sẹo như em vậy.

- Vậy sao? Nhưng em không có nhan sắc như một hoa hậu. Biết làm thế nào để tự tin mặc váy bây giờ?
Khi chúng tôi chia tay nhau cũng là lúc những ô cửa kính đóng kín mít trên tòa nhà chung cư đã sáng đèn. Không hiểu sao khi nhìn cảnh tượng ấy cả tôi và nàng đều buông tiếng thở dài...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
 


Ý kiến bạn đọc


.