(Báo Quảng Ngãi)- Từ nhiều năm qua, lễ cúng thanh minh đã trở thành nghi lễ thiêng liêng, đi sâu vào trong tiềm thức của người dân làng An Hải (Lý Sơn). Những nghi thức từ xa xưa, nay vẫn được người dân gìn giữ, để tỏ lòng tri ân các vị tiền nhân đã có công lập làng, cũng như các vị thần linh đã bảo hộ cho dân làng được bình an, no ấm...
Từ xa xưa cho đến ngày nay, đã thành lệ, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, tiết trời nắng ấm, người dân làng An Hải lại tất bật chuẩn bị phẩm vật để cúng thanh minh. Trước khi cúng, Ban khánh tiết đình làng An Hải cử người dọn dẹp sạch sẽ xung quanh đình làng và nghĩa tự. Vào đêm 15 tháng 2 âm lịch sẽ tiến hành nghi thức tế lễ nhập yết do ông Cả làng làm chủ tế, bồi tế là 7 ông trưởng tộc tiền hiền và 4 ông chủ xóm Đông, xóm Tây... Nghi lễ có đội nhạc ngũ âm, trống, chiêng. Lễ cáo yết nhằm tế cáo với thần linh về ngày lễ tế chánh, thành phần đứng tế, phẩm vật dâng cúng. Các vật phẩm tế lễ nhập yết gồm trầu, rượu, hoa quả... Nghi thức sẽ kết thúc sau 3 tuần rượu.
Người dân làng An Hải (Lý Sơn) tiến hành các nghi thức trong lễ cúng thanh minh. ẢNH: MINH TUẤN |
Lễ tế chính thức bắt đầu vào buổi sáng sớm ngày 16 tháng 2 âm lịch. Ông Cả làng giữ vai trò chủ tế, thành phần ban tế lễ giống như lễ nhập yết, nhưng phẩm vật có đầu đuôi thủ vĩ, 3 con gà trống luộc, bánh khô, khoai lang, bắp, đậu phụng, bánh ú, bánh ít, bánh khô, hương đăng... Ngoài phẩm vật do Ban khánh tiết đình làng chuẩn bị, theo quy định mỗi gia đình trong làng tự làm mâm cỗ mang ra nghĩa tự để cúng. Sau đó, ông Cả làng tập trung các mâm cỗ lại rồi mới tiến hành nghi lễ để cầu mong sự độ trì của các vị thần linh phù hộ cho dân làng bình yên.
Không gian tế lễ thanh minh được xem như một thiết chế làng xã thu nhỏ nên có những quy định về vị trí đứng tế. Ông Cả làng trong trang phục màu đỏ sẽ đứng tế ở vị trí chính giữa, phía sau là tộc trưởng 7 tộc tiền hiền làm nhiệm vụ bồi tế, tiếp sau nữa là các ông chủ xóm, chủ lân, người điển văn đứng bên trái có nhiệm vụ xướng lễ và đọc văn tế, bên phải là đội nhạc ngũ âm và hai bên sau cùng là các ông đánh trống, chiêng.
Lễ cúng thanh minh là dịp để các tộc họ, dân làng và đại diện chính quyền địa phương cùng nhau ôn lại truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã lưu truyền đến ngày hôm nay, với mục đích giáo dục lòng tôn kính tổ tiên, các vị thần linh, với tinh thần đoàn kết cộng đồng và lòng tự hào về quê hương. Đây được xem là một sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng làng An Hải, người dân đem những mâm lễ vật là những sản vật địa phương như bắp, đậu phụng, khoai lang, bánh ít, bánh ú đến để nhờ ông Cả làng thay mặt gia đình bái lễ, sau khi xong lễ thì để lại một phần những phẩm vật đó, đáp lại thì những gia đình đến cúng được ông Cả làng cho một gói bánh, miếng thịt nhỏ đem về gọi là “lộc của thần”. Vậy nên, lễ cúng thanh minh vừa thể hiện tình cảm sẻ chia, vừa thể hiện tính cố kết cộng đồng, bày tỏ tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn” của dân làng đối với các vị thần linh đã phù hộ cho người dân trong cuộc sống mưu sinh trên đất đảo vốn dĩ nhiều khó khăn, khắc nghiệt.
Lễ cúng thanh minh còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc, thắt chặt sự đoàn kết giữa các tộc họ, cũng như các thành viên trong cộng đồng. Sau lễ cúng, các chức sắc trong Ban khánh tiết đình làng An Hải ngồi với nhau để thăm hỏi sức khỏe, trao đổi những kinh nghiệm trong sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá mới. Với ý nghĩa đó, lễ cúng thanh minh của cư dân làng An Hải đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trên đảo có từ cách đây hàng trăm năm.
VÕ MINH TUẤN