(Báo Quảng Ngãi)- Chuyện đọc sách thời nay khác với ngày xưa rất nhiều, do con người bị chi phối bởi smartphone, cùng với lối sống hiện đại. Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), tôi xin kể vài chuyện từ lần mua sách cũ và cuốn sách có cách đây gần trăm năm.
Đi tìm sách quý
Một buổi chiều cách đây gần 30 năm, tôi ghé vào một hiệu sách cũ ở TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi), và thật vui mừng khi mua được mấy cuốn sách, mà với tôi là vô cùng quý giá. Đó là các cuốn “Trùng âm dị tự” của Phạm Hữu Điển, in lần thứ hai, 1949, do ông Phạm Văn Khiển giữ bản quyền (bản in lần đầu năm 1933); “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Văn Khôn, Nhà sách Khai Trí, Saigon, 1960; “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu, Nhà in Hưng Long, Saigon, 1966, và cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển”, quyển Thượng và Hạ của Đào Duy Anh, Nhà sách Minh Tân, Paris (ngoài bìa ghi là năm 1931).
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng tìm hiểu về cuốn sách “Giản yếu Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, xuất bản cách đây gần trăm năm. Ảnh: Bảo Hòa |
Trong các cuốn sách này, tôi đặc biệt chú trọng đến 2 cuốn sách, đó là cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh và cuốn “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Văn Khôn, vì nhiều lẽ, nhất là cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển”. Sở dĩ tôi chú trọng đến 2 cuốn này, bởi cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, gồm 2 quyển Thượng và Hạ nhập chung, có tất cả 1.198 trang, khổ 13 x 18cm, co chữ cỡ 8; cuốn “Hán Việt từ điển” của Nguyễn Văn Khôn, gồm 1.156, khổ 14 x 20cm, co chữ 10, đều là sách in bằng kỹ thuật in typo (sắp từng chữ chì trước đây), nhưng có một ai đó đã đọc rất kỹ, không bỏ sót trang nào, mà không chỉ đọc một lần.
Bằng chứng cho việc đọc kỹ này là tất cả 2.354 trang sách (tổng số trang 2 cuốn), đều có đánh dấu từng mục từ, có chú giải, bổ sung thêm, khi bằng chữ Hán - Nôm, khi bằng Pháp ngữ, khi bằng Quốc ngữ. Lại có những trang, người đọc vừa chú giải bằng bút đỏ, vừa chú giải bằng bút xanh, chứng tỏ người đọc đặc biệt đó đã đọc đi, đọc lại hơn 2.000 trang từ điển này, và kiến thức rất đỗi uyên thâm. Quả là thật quá nể trọng. Ngày nay có lẽ khó có ai đọc được như vậy.
Người đọc đặc biệt
Để biết ai là người đã đọc kỹ và chú giải vào trong hai cuốn sách, tôi lục tìm thử trong các trang bìa, trang lót, trang lưu chiếu... Trên trang bìa lót cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển”, thấy có ghi bằng bút bi tên hai người là Nguyễn Hiến Lê và Hoàng Xuân Việt. Ở trang phía trong bìa lót, cũng có ghi bằng bút bi dòng chữ: “Tủ sách Nhân Bình Phương”, có thêm chữ Hán, dịch nghĩa là “Nhân Bình Phương”.
Cứ nghĩ, hay là người đọc và chú giải sách này chính là hai học giả Nguyễn Hiến Lê và Hoàng Xuân Việt? Hoặc cũng có thể chỉ là học giả Hoàng Xuân Việt? Bởi lẽ, học giả Hoàng Xuân Việt tên thật là Nguyễn Tùng Nhân, sinh năm 1920 tại Bến Tre, từng nổi tiếng là người đã sử dụng thành thạo tiếng Hy Lạp, La Tinh, Hán Nôm, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và đã xuất bản 373 đầu sách, là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục... Tôi thiên về nhận định là do học giả Hoàng Xuân Việt đọc và chú giải, nhưng để có lời giải đáp chính xác thì cần phải tìm hiểu thêm.
Cuốn sách gần trăm năm
Ở đây xin nói thêm về cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, là cuốn xưa nhất trong các cuốn sách nêu trên. Bìa ngoài cuốn sách ghi là năm 1931. Ngay đầu sách có lời “Đề từ” của Hãn Man Tử, ghi: Huế, ngày 1 tháng 3 năm 1931. Tiếp theo là bức “Thơ công khai gởi anh Đào Duy Anh”, in bản chữ viết tay 5 trang rất đẹp, cẩn trọng của Nguyễn Ngọc Bích, in kèm sau lời “Đề từ”. Cuối bức thư viết tay, có ghi: “Mùa thu năm Việt Nam độc lập năm thứ năm (1949).
Bìa và một vài trang sách “Giản yếu Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh. ẢNH: ĐĂNG VŨ |
Đọc bức thư, được biết, vì không biết chỗ ở của ông Đào Duy Anh, nên ông Nguyễn Ngọc Bích không gửi thư xin phép tác giả bộ từ điển, nên in cả thư vào sách để may ra có một cuốn đến tay tác giả, và hứa sẽ hoàn trả bản quyền tác giả. Trong thư ông Nguyễn Ngọc Bích cũng cho biết rằng, cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển” do Nhà xuất bản Minh Tân, có địa chỉ số 7, Rue Guénégaud - Paris (Pháp), in lần này là đúng với bản gốc 2 quyển Thượng và Hạ mà ông Đào Duy Anh đã cho xuất bản từ năm 1931. Qua nội dung thư này, có thể thấy người xưa rất trân trọng bản quyền tác giả sách.
Để biết ông Nguyễn Ngọc Bích là ai, tôi phải tìm một số tài liệu, và được biết, ông Nguyễn Ngọc Bích (1911 - 1966), người Bến Tre, từng học ở Pháp nhiều năm, là kỹ sư canh nông đầu tiên ở Việt Nam, sau này là bác sĩ y khoa, đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, là một trí thức lớn trước năm 1945. Đầu năm 1947, ông bị quân Pháp bắt làm tù binh. Nhưng do ông có cả quốc tịch Pháp và uy tín, nên quân Pháp đưa ông về "cưỡng bức lưu trú" tại Paris. Tại Paris, ông cùng bạn hữu thành lập nhà xuất bản tiếng Việt có tên là Minh Tân, chuyên in ấn và xuất bản các tác phẩm văn học, sử học, khoa học... bằng tiếng Việt của các tác giả tầm cỡ Việt Nam (như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn...). Cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển” được in lại nguyên gốc vào lúc này (1949).
Để tìm hiểu thêm về cuốn “Giản yếu Hán Việt từ điển”, tôi cũng đọc lại cuốn “Nhớ nghĩ chiều hôm” (Nhà xuất bản Trẻ, 1989) của học giả Đào Duy Anh, và cũng được biết thêm: Hãn Man Tử chính là bút danh của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Về câu chuyện biên soạn, giới thiệu, xuất bản cuốn Từ điển Hán Việt - là cuốn từ điển Hán Việt đầu tiên được xuất bản, xin được dành cho một bài báo khác.
NGUYỄN ĐĂNG VŨ