Tạo thói quen phân loại rác sinh hoạt

09:45, 21/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành phố Quảng Ngãi đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất thải rắn sinh hoạt được người dân phân loại tại nhà. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Từ nhiều năm nay, Trường Mầm non Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), đã triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải. Mô hình này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt, nhà trường trang bị 3 thùng rác chuyên biệt, gồm: Thùng chứa rác vô cơ, thùng chứa rác hữu cơ, thùng chứa rác tái chế. Trước khi cho rác vào thùng, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều phân loại rác thải đúng quy định.

Các cô giáo Trường Mầm non 
Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), phân loại rác thải.
Các cô giáo Trường Mầm non Chánh Lộ, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), phân loại rác thải.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Chánh Lộ Võ Thị Diễm Kiều, việc phân loại rác thải tại nguồn được nhà trường chủ động triển khai từ sớm, không chỉ để bảo vệ môi trường, mà mục đích lớn hơn là nhằm nâng cao nhận thức về môi trường cho trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

“Để hoạt động phân loại rác thải đi sâu vào tiềm thức của các em, nhà trường lồng ghép phân loại rác vào trong giảng dạy, giáo dục trẻ kiến thức phân loại rác tại lớp, tại trường. Sau khi phân loại, đối với rác thải có thể tái chế được, như vỏ hộp sữa, chai nhựa, vỏ hộp sữa chua, muỗng nhựa... giáo viên tái sử dụng, biến chúng thành đồ dùng học tập, vật dụng trang trí. Qua đó, giúp trẻ thấy được lợi ích của phân loại rác thải”, cô Kiều chia sẻ.

Phân loại rác tại nhà

Để việc phân loại rác thải tại nhà được lan tỏa sâu rộng, trở thành thói quen của mỗi người, các xã, phường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024 - 2025, với mục tiêu ít nhất 60% số hộ gia đình ở đô thị, 50% số hộ ở nông thôn triển khai các giải pháp phân loại rác thải tại nguồn. Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Kế hoạch 85 của UBND tỉnh, TP.Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2025, chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình trên địa bàn TP.Quảng Ngãi phải được phân loại tại nguồn.

Tại phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được 100% cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn triển khai thực hiện. Phường còn phát triển và duy trì các mô hình gắn với thu gom, phân loại rác như: Đổi rác thải nhựa nhận quà; phân loại rác thải tại nguồn; thùng rác thân thiện môi trường. Còn ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), UBND phường đã ký giao ước với Trường THCS Quảng Phú xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh”; đồng thời hỗ trợ 9 thùng nhựa chuyên dụng cho 3 cơ sở tôn giáo trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt.

Là địa phương ven biển có đông dân cư, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày tương đối lớn, các xã Nghĩa An, Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) đã tập trung tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Vào đầu tháng 10/2024, xã Nghĩa An đã tổ chức hội nghị tuyên truyền đến người dân về chủ đề phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu hút sự tham gia của 120 hộ dân. Tại xã Tịnh Khê, cùng với thông báo, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã về phân loại rác thải sinh hoạt, địa phương còn triển khai mô hình “Khu dân cư thực hiện hạn chế rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn” tại 4 thôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Nguyễn Lâm, việc đảm bảo các tổ chức, công dân trên địa bàn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Trong đó, UBND cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt. Việc thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn đang được triển khai đồng bộ, rộng khắp tại các xã, phường. Ưu tiên tập trung thực hiện trước tại các phường trung tâm, khu vực đông dân cư, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhằm đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt được áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố vào năm 2025.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:45, 21/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.