Nguồn vốn chính sách góp phần giảm nghèo

17:24, 20/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Sơn Tịnh có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trợ lực phát triển kinh tế

Theo chân cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Công Từ Duy, ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Anh Duy đang tất bật chăm sóc đàn dúi của gia đình. Năm 2019, anh Duy chọn hướng phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi dúi. Sau 3 tháng nuôi hiệu quả, từ 10 con ban đầu, anh Duy đầu tư chuồng trại nuôi thêm 100 con.

Anh Duy cho biết, nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH, tôi có điều kiện đầu tư chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dúi. Đến nay, đàn dúi đã hơn 500 con. Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Dúi con sau khi nuôi từ 2 - 3 tháng là có thể bán làm con giống. Đối với dúi nuôi thương phẩm sau 6 - 7 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg. Với giá bán từ 430 - 470 nghìn đồng/kg dúi thương phẩm, 1 triệu đồng/cặp dúi giống, nuôi dúi đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Duy.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Lê Công Từ Duy (bên phải) ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) có điều kiện mở rộng chuồng trại nuôi dúi.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Lê Công Từ Duy (bên phải) ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) có điều kiện mở rộng chuồng trại nuôi dúi.
Năm 2024, huyện Sơn Tịnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,98%; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 7.700 tỷ đồng; tạo việc làm mới và tăng thêm việc làm cho 1.700 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) 0,11%. 

Tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, ở thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà thuộc hộ nghèo của địa phương. Gia đình khó khăn, bản thân bà Nhung lại bị ốm đau, con cái đang tuổi đến trường. Năm 2012, bà Nhung được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay số tiền 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để chăn nuôi heo, bò. Nhờ siêng năng lao động, đàn heo, bò của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt. Vợ chồng bà có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, có chi phí chăm lo cho các con. Bà Nhung chia sẻ, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình tôi có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, gia đình tôi thoát nghèo vào năm 2022.

Gia đình ông Phan Văn Quý, ở thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) trước đây là hộ cận nghèo, thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Được sự tư vấn của cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh, ông Quý vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, ông Quý xây dựng chuồng và mua 1 con bò cái, 1 con nghé về thả nuôi. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi bò sinh sản, đến nay, đàn bò của ông tăng lên 4 con bò cái và 2 con nghé. Mỗi năm, ông Quý bán 3 - 4 con nghé, thu nhập 10 - 12 triệu đồng/con. Ngoài ra, ông Quý còn trồng lúa, bắp, mè để tăng thu nhập cho gia đình.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tịnh giao dịch với người dân tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh).
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tịnh giao dịch với người dân tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh).

Để nhiều hộ tiếp cận nguồn vốn

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Sơn Tịnh có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2023, toàn huyện giảm 66 hộ nghèo, đạt 235,7% kế hoạch năm; giải quyết việc làm và tạo thêm việc làm mới cho 1.600 người, đạt 100% kế hoạch năm.

Để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh tăng cường phối hợp với chính quyền các xã thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; bổ sung đối tượng có nhu cầu vào tổ tiết kiệm và vay vốn; bình xét các đối tượng thuộc diện được vay vốn, từ đó lập danh sách các hộ vay để thực hiện các thủ tục giải ngân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn Trường Xuân, xã Tịnh Hà vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi bò.

Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh thực hiện tổ chức giao dịch tại trụ sở UBND các xã; phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội quản lý 155 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn trong huyện. Phương thức ủy thác cho vay thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội là mô hình quản lý đang phát huy hiệu quả, giúp cho đoàn viên, hội viên tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến ngày 10/6/2024, tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh là hơn 413 tỷ đồng, với 7.524 hộ còn dư nợ. Các hộ vay đều thanh toán đảm bảo kịp thời, tỷ lệ thu lãi đạt kết quả tương đối cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Chất lượng tín dụng được bảo đảm, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12% tổng dư nợ.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Tịnh Nguyễn Công Chúng cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành điểm tựa để hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn mạnh dạn vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát các hộ có nhu cầu vay để các hộ vay vốn được tiếp cận nguồn vốn trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, bảo đảm cho vay đúng đối tượng, người vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:24, 20/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.