Đổi đời từ nghề làm bún tươi

22:06, 29/11/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Với ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên làm giàu, qua hơn 14 năm gắn bó với nghề sản xuất bún, từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp, vợ chồng ông Nguyễn Được, ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) đã khẳng định nghề sản xuất bún đã giúp gia đình ông có cuộc sống khấm khá, trở thành tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Năm 2006, sau khi kết hôn, anh Nguyễn Được và vợ là chị Tiêu Thị Trà My cùng dắt nhau vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân may, với hy vọng có được cuộc sống no đủ, nhưng không được như mong muốn. Sau hơn 3 năm chật vật tại thành phố lớn với đủ khoản chi phí khi xa quê, vợ chồng anh Được bàn bạc, quyết định trở về quê lập nghiệp bằng nghề sản xuất bún truyền thống của gia đình.

Anh Được khởi nghiệp từ nghề sản xuất bún
Anh Được khởi nghiệp từ nghề sản xuất bún.

Ban đầu do chưa có vốn, vợ chồng anh Được chỉ sản xuất bún thủ công nên sản phẩm chỉ ở mức khoảng 50kg bún mỗi ngày. Qua 4 năm, nhờ siêng năng và có kinh nghiệm làm bún tươi chất lượng nên sản phẩm bún của gia đình anh Được đã có thị trường tiêu thụ bền vững. Để từng bước đưa nghề bún phát triển mạnh mẽ hơn, năm 2023, vợ chồng anh Được vay gần 100 triệu đồng để đầu tư dàn máy sản xuất bún công nghiệp gồm 2 máy xay bột, 1 dây chuyền ép bún, 1 máy vo gạo.

Nhờ có kỹ thuật làm bún chuyên nghiệp cộng với máy móc hiện đại, sản lượng bún mỗi ngày của gia đình ông Được đã tăng lên hàng chục lần so với trước đây. Giờ đây, mỗi ngày vợ chồng anh cho ra lò từ 400 kg đến 500 kg bún tươi, với giá bán từ 9.000 - 12.000 đồng/kg bún tươi. Để có được những mẻ bún trắng đẹp, sợi bún mịn, thơm, mềm, ngon, lâu thiu, khâu chọn gạo được anh Được chú trọng nhất. Qua nhiều lần thử nghiệm, anh Được chọn giống lúa Khang dân 18 để làm bún.

Vợ anh Được sắp xếp bún thành phẩm để bán ra thị trường.
Vợ anh Được sắp xếp bún thành phẩm để bán ra thị trường.

Anh Được bày tỏ, xác định bún là loại thực phẩm được sử dụng thường xuyên và rộng rãi ở nhiều nơi nên gia đình tôi luôn đặt tiêu chí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu để giữ chữ tín với khách hàng. Nơi sản xuất bún của gia đình luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Từ nguyên liệu đến các khâu chế biến đều đảm bảo vệ sinh.

Hàng năm, cơ sở  sản xuất bún của anh đều được Trung tâm y tế huyện đến kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm bún luôn được khách hàng ưa chuộng. Ngoài số lượng người dân mua lẻ, anh còn cung cấp cho các quán ăn trên địa bàn và các bếp ăn của Khu Công nghiệp Tịnh Phong và VSIP Quảng Ngãi.

Cơ sở sản xuất bún của anh Được.
Cơ sở sản xuất bún của anh Được.

Nhờ chịu thương chịu khó, mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, làm giàu trên chính quê hương của mình, nghề sản xuất bún của vợ chồng anh Được ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Được thu về trên 250 triệu đồng từ nghề sản xuất bún. Chỉ tay vào những mẻ bún trắng đẹp vừa mới ra lò, anh Được chia sẻ, trải qua 14 năm gắn bó với nghề làm bún, vợ chồng tôi đã trả được hết nguồn vốn vay ban đầu để đầu tư máy móc thiết bị làm bún công nghiệp. Cũng từ cái nghề này mà tôi xây được căn nhà khang trang và nuôi 2 con ăn học đàng hoàng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thọ Ngô Văn Vọng cho biết, vợ chồng anh Nguyễn Được là một tấm gương vượt khó tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Từ một hộ khó khăn, nhưng bằng chính nghị lực, quyết tâm thoát nghèo mà gia đình anh Được đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở hướng làm ăn, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương.

Bài, ảnh: Thu Phượng – Kim Cúc

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

Xuất bản lúc: 22:06, 29/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.