(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Sơn Tây đã và đang triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng, mở ra triển vọng phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân.
Anh Đinh Văn Thiên, ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, anh Thiên tham gia nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản và được hỗ trợ 2 con bò, tổng trị giá trên 40 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn được hỗ trợ vật tư làm chuồng và tập huấn kỹ thuật. Dù mới triển khai, nhưng mô hình chăn nuôi bò đã giúp gia đình anh có sinh kế để thoát nghèo.
Mô hình trồng chuối cấy mô ở xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: V.YẾN |
Thực hiện dự án 3 (về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng và thế mạnh của các vùng miền nhằm sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị), thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Sơn Mùa đã triển khai 5 dự án chăn nuôi bò sinh sản, với kinh phí 2,4 tỷ đồng. Theo đó, 82 con bò giống sinh sản đã được cấp cho 41 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ biết làm kinh tế. Sau 4 tháng cấp giống, hiện đàn bò đang sinh trưởng tốt. Trưởng nhóm hộ chăn nuôi bò ở xã Sơn Mùa Đinh Văn Luồng cho biết, tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc làm chuồng chăn nuôi của các thành viên trong nhóm. Hộ dân khi cấp bò về chuẩn bị đầy đủ cỏ cho bò ăn, không thả rông. Khi phát hiện bò bị ốm, dịch bệnh báo ngay cho UBND xã để kiểm tra và xử lý kịp thời.
Xã Sơn Long (Sơn Tây) hiện cũng đã triển khai 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, với kinh phí gần 2,3 tỷ đồng. Đó là, 1 dự án hỗ trợ giống ổi Ruby, với 8 hộ tham gia; 2 dự án trồng chuối mốc, với 18 hộ tham gia và 2 dự án nuôi heo ky, với 20 hộ tham gia. “Qua gần 2 năm thực hiện, người dân tham gia nhóm hộ cộng đồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Các thành viên trong nhóm chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau”, Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết.
Thực hiện dự án 3, huyện Sơn Tây đã thẩm định và triển khai 41 dự án với kinh phí giải ngân trên 11 tỷ đồng. Các mô hình được thực hiện dựa trên nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số về các sản phẩm hiện có và tiềm năng của địa phương. Tập trung vào các cây trồng, vật nuôi như bò, heo, chuối, bưởi, ổi... Nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi được đưa vào sản xuất hàng hóa, ứng dụng phương pháp chuyên canh, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Tây Lê Văn Cường, phòng đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ các chương trình hỗ trợ sản xuất ở 9 xã trên địa bàn huyện. Việc triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng đã tạo động lực thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Sơn Tây phát triển theo chuỗi giá trị phù hợp với từng khu vực. Khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
V.YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: