(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Nghĩa Hành là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi bật. Từ lợi thế này, huyện đã tập trung sửa chữa, tôn tạo các di tích, đầu tư cho các danh lam thắng cảnh để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Tài sản phát triển du lịch
Huyện Nghĩa Hành hiện có 6 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh về lịch sử, tín ngưỡng, cách mạng, danh nhân. Nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh có giá trị về mặt lịch sử như: Trường Lũy Quảng Ngãi; Địa điểm xuất quân của Liên quân Việt - Lào, ở xã Hành Phước; Khu Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, ở thị trấn Chợ Chùa; đình Lâm Sơn, xã Hành Nhân; Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Công Phương, xã Hành Phước; Mộ và Nhà thờ Võ Duy Ninh, ở xã Hành Thuận... Những di tích này không chỉ mang đến trải nghiệm văn hóa độc đáo, mà còn góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương. Trong giai đoạn 2010 - 2025, từ các nguồn lực, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng, tôn tạo, tu bổ, sửa chữa, chỉnh trang 14 di tích, với kinh phí hơn 30,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 12 tỷ đồng.
![]() |
Cựu chiến binh tham quan Di tích Địa điểm xuất quân của Liên quân Việt - Lào, xã Hành Phước (Nghĩa Hành). |
Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, huyện Nghĩa Hành đã đầu tư xây dựng Nhà truyền thống huyện, nơi lưu giữ 50 bức ảnh và hơn 200 hiện vật có giá trị, liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của huyện qua các thời kỳ. Đây được xem là một trong những “địa chỉ đỏ” thu hút người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của huyện. Từ đó giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tinh thần cần cù, hiếu học của người dân Nghĩa Hành. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích vừa thể hiện sự trân trọng, tri ân với lịch sử, truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ cha anh, vừa là cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của di tích trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Các di tích này không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, mà còn trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách, qua các loại hình du lịch tâm linh, du lịch văn hóa gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Như Khu Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, đây từng là nơi làm việc, đến công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, những người đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng Nam Trung Bộ trong những năm 1946 - 1949. Hay Địa điểm xuất quân của Liên quân Việt - Lào, nơi ghi dấu sự kiện thành lập lực lượng quân tình nguyện và Lễ xuất quân của Liên quân Việt - Lào làm nhiệm vụ quốc tế ở Hạ Lào và đông bắc Campuchia vào ngày 19/8/1948 cũng trở thành “địa chỉ đỏ” đặc biệt thu hút du khách. Năm 2012, di tích Địa điểm xuất quân Liên quân Việt - Lào được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh và năm 2024, được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hay đình Lâm Sơn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa gắn liền với công cuộc khẩn hoang của người Việt trên vùng đất phương Nam...
Mỗi năm, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện đã đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Đó là những cựu chiến binh cùng thân nhân đến thăm viếng, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa, tri ân những đồng đội đã hy sinh; hay những học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đến để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về truyền thống bất khuất, kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông.
![]() |
Khu Di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) đang được sửa chữa, tôn tạo. |
Đoàn viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang, ở xã Hành Thịnh cho biết, trực tiếp ngắm nhìn những hiện vật, hình ảnh liên quan đến sự kiện lịch sử về Lễ xuất quân của Liên quân Việt - Lào, tôi thêm hiểu và tự hào hơn về những giá trị, truyền thống vẻ vang của dân tộc. Đặc biệt là tinh thần quốc tế, tình hữu nghị và tình cảm sắt son của 2 nước Việt - Lào. Từ đó thắp lên trong mỗi đoàn viên lòng tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên cùng lòng biết ơn, tinh thần yêu nước. Điều đó cũng giúp thế hệ trẻ chúng tôi xác định lý tưởng và mục tiêu sống tốt đẹp hơn, cũng như nỗ lực học tập, hoàn thiện bản thân và theo đuổi tới cùng ước mơ của mình.
Cộng đồng chung sức
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, du lịch chính là phương thức “biến” các giá trị di sản văn hóa trở thành “tài sản”, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Nhất là du lịch, loại hình mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững cho người dân và xã hội qua việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, thúc đẩy tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP. Như Làng du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân ngày càng hấp dẫn du khách bởi kiến trúc của ngôi nhà ba gian truyền thống, vườn cây trái trĩu quả, làng nghề truyền thống cùng những điểm du lịch lịch sử, du lịch tâm linh. Hay di chỉ khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh, đường cổ Chămpa, cây đa cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam, đình Lâm Sơn - nơi lưu giữ giá trị văn hóa gắn liền với công cuộc khẩn hoang của người Việt trên vùng đất phương Nam. Mỗi năm, Làng du lịch cộng đồng Bình Thành đã thu hút trên 80 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, trải nghiệm.
![]() |
Những tour, tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch tâm linh, văn hóa gắn với trải nghiệm tại Làng du lịch Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) ngày càng hấp dẫn du khách. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, để phát huy giá trị các di tích, huyện tiếp tục huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng, nhất là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu. Đối với các di tích có thể khai thác, phục vụ cho du lịch, huyện tôn tạo, tu bổ gắn với đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nâng cấp các công trình phục vụ bổ trợ và khai thác. Bên cạnh đó, huyện kết nối với các địa phương lân cận để xây dựng những tour, tuyến du lịch trên cơ sở phát huy thế mạnh, sự độc đáo của từng di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Cùng với đó, huyện Nghĩa Hành chú trọng tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích, gắn với phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: