Phát triển nghề sinh vật cảnh

16:41, 24/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề sinh vật cảnh ở huyện Nghĩa Hành ngày càng phát triển, mang lại thu nhập và cải thiện cuộc sống của người dân. Đồng thời, góp phần chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện.

Đến với nghề trồng mai chỉ vì yêu thích, ông Nguyễn Tấn Đạt, thôn Xuân Vinh (Hành Đức) không nghĩ rằng loại hoa này lại trở thành “cần câu cơm” của gia đình sau 20 năm gắn bó. Khởi điểm là yêu thích sắc vàng của mai nở vào dịp Tết, ông Đạt đã sưu tầm trồng 2 loại mai thân, mai tình để chưng vào dịp Tết. Dần dà, ông Đạt trồng thêm các loại thanh mai, bạch mai rồi cần mẫn cắt tỉa, tạo dáng cho cây để có những chậu bon sai đẹp, lạ.

Làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, xã Hành Đức sở hữu nhiều cây mai quý.
Làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, xã Hành Đức sở hữu nhiều cây mai quý.
Năm 2021, Làng nghề cây cảnh Xuân Vinh, ở xã Hành Đức đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Làng nghề cây cảnh. Đây là tiền đề để Nghĩa Hành phát triển kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh, góp phần gia tăng giá trị nghệ thuật và kinh tế của bonsai mai vàng trên địa bàn huyện. Làng nghề cây cảnh Xuân Vinh cũng là địa điểm được huyện Nghĩa Hành lựa chọn tổ chức “Ngày Bon sai - Mai vàng” dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Giáp Thìn 2024.

Sau 20 năm, vườn mai trên 2.000m2 nhà ông Đạt đã có hàng nghìn cây mai, trở thành một trong những địa chỉ được khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến để mua bán, trao đổi, hoặc chỉ để ngắm những chậu mai quý, dáng thế đẹp. Dịp tết Nguyên đán hằng năm, vườn mai nhà ông Đạt cung ứng cho thị trường hàng trăm chậu mai đa dạng về mẫu mã, chủng loại và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Ông Đạt chia sẻ, cây mai tuy dễ trồng nhưng để có sản phẩm ưng ý, phải mất hàng chục năm chăm sóc và tạo dáng. Đó là chưa kể cây mai khá đỏng đảnh, rất khó nở đúng dịp Tết đến Xuân về. Vậy nên để nuôi dưỡng niềm đam mê với mai và cây cảnh, ông Đạt thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” qua việc ươm bán mai giống, hoặc nhận chăm sóc những chậu mai cho những người thích chơi mai dịp Tết.

Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có hơn 500 hộ trồng cây cảnh, hoa cảnh, bon sai các loại, như: Hoa mai, hoa giấy, vú sữa, me, tùng, mai chiếu thủy, cốc, sam ngọc, sam núi... Nghề trồng cây cảnh đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá và ổn định cuộc sống thông qua việc cung ứng cây bon sai cho thị trường vào dịp Tết.

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho biết, toàn huyện hiện có hơn 1 triệu cây mai vàng các loại, chủ yếu là mai tình, mai thân, thanh mai, hoàng mai, bạch mai. Nhiều nhà vườn sở hữu những chậu mai quý, thế đẹp, có giá trị kinh tế cao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Từ thú chơi tao nhã trong dịp Tết, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã nâng lên thành một nghề chuyên nghiệp, tạo sinh kế ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương qua việc đúc chậu kiểng, hay chăm sóc cây, hoa. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, sinh vật cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là nghề đòi hỏi sự lao động kiên trì, cần mẫn và năng khiếu nghệ thuật. Để động viên, khuyến khích nghề sinh vật cảnh phát triển, huyện sẽ chú trọng công tác đào tạo nghề, tập hợp những người hành nghề sinh vật cảnh để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, giá trị nghề sinh vật cảnh nhằm thu hút khách du lịch, thúc đẩy giao thương buôn bán.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:41, 24/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.