Giảm nghèo nhờ truyền thông hiệu quả

10:16, 14/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo nhằm nâng cao năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là một trong những giải pháp thiết thực mà hệ thống chính trị huyện Minh Long chú trọng thực hiện trong thời gian qua.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Năm 2024, thôn An Thanh là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của xã Thanh An khi có đến 18/36 hộ thoát nghèo. Theo Bí thư Chi bộ thôn An Thanh Đinh Văn Rơ, để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng, khơi dậy ý thức và trách nhiệm thoát nghèo của người dân. Ông Rơ cho biết thêm, Mặt trận, chi bộ thôn luôn đau đáu câu hỏi làm sao xóa hộ nghèo trong thôn, giúp cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn. Vì vậy, cùng với tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo qua các kênh thông tin, chi bộ còn cử đảng viên thường xuyên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo trong thôn. Qua đó, giúp hộ nghèo, cận nghèo có động lực vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, xã Long Hiệp (Minh Long).
Lao động làm việc tại cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, xã Long Hiệp (Minh Long).

"Trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện xác định thực hiện tốt công tác truyền thông là một trong những yếu tố quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp nhận các nguồn lực để vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Huyện đã chỉ đạo các địa phương và phòng, ban liên quan tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện”.

Chủ tịch UBND huyện Minh Long 
ĐINH VĂN ĐIẾT

Ông Đinh K’Ni, ở thôn An Thanh cho biết, trước đây, vì tôi chưa nắm bắt đầy đủ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên làm lúa thì mùa được mùa mất; trâu, bò thường xuyên mắc bệnh nên bán giá rẻ, dẫn đến thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Sau nhiều lần được cán bộ xã, thôn động viên, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên sản xuất hiệu quả hơn, năng suất lúa cao hơn. Tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nhờ vậy mà kinh tế dần ổn định và phát triển, gia đình có cuộc sống no đủ. Năm nay, gia đình tôi đăng ký thoát nghèo, cố gắng làm ăn khấm khá hơn nữa để có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Qua hệ thống truyền thanh cơ sở, người dân ở thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp, nắm bắt kịp thời các thông tin về giảm nghèo, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các mô hình giảm nghèo hiệu quả, những tấm gương vươn lên thoát nghèo... Bà Đinh Thị Thúc, ở thôn Hà Xuyên cho biết, nhờ có hệ thống loa phát thanh cũng như báo, đài mà người dân dễ dàng tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; thông tin về dịch bệnh trên đàn vật nuôi và cách phòng, tránh. Qua đó, tôi học hỏi được biện pháp chăm sóc, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi và khử trùng chuồng trại. Nhờ vậy, năm nay đàn heo, bò không bị dịch bệnh nên gia đình có nguồn thu nhập khá. Cũng nhờ các kênh thông tin, tôi biết được trên địa bàn xã có Tổ hội nghề nghiệp “Nuôi trâu lai sinh sản” nên đến học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giúp nhau chăn nuôi trâu.

Anh Đinh Văn Biên, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long), phát triển 
mô hình chăn nuôi heo.
Anh Đinh Văn Biên, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long), phát triển mô hình chăn nuôi heo.

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp Hà Thị Ngây cho biết, xác định mục tiêu của giảm nghèo là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nên thời gian qua, chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, gắn với đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách giảm nghèo đến người dân. Cùng với đó, xã phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng Internet, mạng xã hội... góp phần đưa các nền tảng số đến gần với người dân. Qua đó, giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp cũng như tạo động lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Phát huy chính sách hỗ trợ

Giảm nghèo thông tin được xem là “lối mở” giúp người dân tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn những thông tin hữu ích để vận dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm phát triển kinh tế. Do đó, thời gian qua, huyện Minh Long huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo đa chiều, trong đó có hạ tầng thông tin, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp... giúp người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, huyện đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, huy động nguồn lao động tại chỗ để đa dạng sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị huyện tăng cường tuyên truyền nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Mô hình trồng quýt ở xã Long Môn (Minh Long) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Mô hình trồng quýt ở xã Long Môn (Minh Long) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Vì vậy, bên cạnh tuyên truyền qua báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở... huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan chủ động xây dựng tài liệu, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các công chức trực tiếp làm công tác giảm nghèo và các trường hợp tham gia, nhất là bí thư chi bộ, trưởng các tổ chức đoàn thể, thôn, khu dân cư và người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm, triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn, tư vấn tạo sinh kế, hướng nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm... nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Trưởng phòng VH-TT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, thông qua truyền thông đã giúp hộ nghèo trang bị kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Điều này cho thấy, giảm nghèo về thông tin đã góp phần tích cực vào giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin... để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng và dịch vụ số. Qua đó chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:16, 14/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.