(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Minh Long.
Đến nay, huyện Minh Long có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: Bưởi da xanh, chè xanh, bánh tráng Hoàng Long và thịt heo ky Thành Tiến. Các sản phẩm OCOP đã giúp người dân, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện cải thiện thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.
Diện mạo mới từ OCOP
Sau gần 2 năm hoạt động, cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long, ở xã Long Hiệp (Minh Long) đã ghi dấu ấn với người tiêu dùng bằng sản phẩm chất lượng, chủng loại đa dạng (gồm bánh nhúng tròn, bánh nướng, bánh don và bánh cháo). Với quy mô nhà xưởng gần 300m2 và được đầu tư bài bản, trong đó có phòng sấy điện, vừa chủ động sản xuất trong mùa mưa, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các khâu sản xuất được tự động hóa, đáp ứng công suất chế biến bình quân 2 tạ gạo/ngày.
Bánh tráng Hoàng Long ở xã Long Hiệp là sản phẩm OCOP 3 sao. Cơ sở này tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. |
Chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Hoàng Long Nguyễn Đăng Tuấn cho biết, thuận lợi của nghề làm bánh tráng là nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng. Vậy nên, sau thời gian học hỏi quy trình sản xuất bánh tráng tại các cơ sở trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, năm 2022, tôi đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất 2 sản phẩm bánh nhúng tròn và bánh nướng. Vừa làm, tôi vừa điều chỉnh quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, đến năm 2023 tôi phát triển thêm 2 sản phẩm là bánh don và bánh cháo theo hướng chất lượng hơn, thuận tiện cho người sử dụng.
Sản lượng tiêu thụ tăng dần, hiện đạt gần 10 nghìn bánh các loại mỗi ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và hàng chục lao động thời vụ với thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Mới đây, bánh tráng Hoàng Long được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Minh Long xét chọn, công nhận đạt OCOP 3 sao.
Ông Đinh Văn Rít ở xã Long Môn đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. |
Sản phẩm thịt heo ky Thành Tiến của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến, ở xã Long Hiệp, cũng được gắn sao OCOP. Tuy quy mô chưa lớn, nhưng “điểm cộng” của thịt heo ky Thành Tiến là đối tượng vật nuôi đặc trưng vùng miền, có giá trị kinh tế cao. Thông qua sản phẩm, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến đã lan tỏa đến đồng bào dân tộc thiểu số Hrê phương thức chăn nuôi tập trung, tiếp cận quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo tồn, phát triển các loài vật nuôi bản địa. Trước đó, HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến cũng đã đầu tư phát triển cây chè xanh và trở thành sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông - lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khó cho biết, cây chè xanh và heo ky gắn với người dân trên địa bàn huyện từ bao đời nay, nhưng vì cách sản xuất cũ, chưa chú trọng đến sản xuất theo hướng hàng hóa nên hiệu quả và giá trị thấp. Sau khi thành lập với 17 thành viên, HTX vừa nỗ lực phát triển diện tích chè, vừa hướng dẫn người dân quy trình sản xuất và chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi được gắn sao OCOP, sản lượng tiêu thụ chè Minh Long tăng lên, giá chè cao hơn, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tiếp tục trợ lực
Từ khi bưởi da xanh được gắn sao OCOP vào năm 2022, sản phẩm dần được người tiêu dùng biết đến và đón nhận, giá trị và sản lượng tiêu thụ gia tăng. Người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện chú trọng đến việc chăm sóc, phát triển diện tích trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, cùng với hạn chế về nguồn lực đầu tư, kiến thức chăm sóc cây trồng, khó khăn của chủ thể sản xuất bưởi da xanh là bị động trong việc bán hàng cũng như tìm kiếm thị trường. Phần lớn sản phẩm tiêu thụ theo kênh truyền thống, chủ yếu được bán cho người thân, bạn bè hoặc các chợ dân sinh chứ chủ thể chưa xây dựng website hoặc giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Đình Thuần ở xã Long Sơn, chăm sóc vườn bưởi. |
Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo Phong trào thi đua “Minh Long chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2021 - 2025 đã khơi dậy ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững của một bộ phận người nghèo. Năm 2023, toàn huyện có 222 hộ nghèo và 51 hộ cận nghèo đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, mới đây, huyện Minh Long được phân bổ 941 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Huyện đã triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản tại xã Thanh An; dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Long Sơn. Điểm mới trong thực hiện các dự án là có sự tham gia của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản, đảm bảo hiệu quả chăn nuôi. |
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Minh Long Đinh Văn Lâm cho biết, ngoài 4 sản phẩm được gắn sao OCOP, trên địa bàn huyện còn có nhiều nông sản, đặc sản tiềm năng và thế mạnh. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, dẫn đến diện tích manh mún, đầu ra bấp bênh.
Thời gian đến, Phòng NN&PTNT sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, vừa giúp chủ thể tiếp cận các quy trình sản xuất, vừa giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các địa phương.
Để phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn, huyện chủ động lồng ghép các nguồn lực nhằm tiếp sức cho người dân, các chủ thể OCOP và cơ sở sản xuất đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể nâng cấp bao bì, tem nhãn, ưu tiên các vật liệu bảo vệ môi trường, giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương cho biết, tham gia chương trình OCOP là người dân tiến thêm một bước về phương thức canh tác, quy trình sản xuất cũng như cách quảng bá, tiếp cận thị trường. Thời gian đến, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ thể xây dựng hình ảnh, thiết kế bao bì, mẫu mã gắn với các câu chuyện sản phẩm; hình thành các chuỗi liên kết, từng bước chuẩn hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại do các sở, ngành, địa phương tổ chức, góp phần đưa các sản phẩm OCOP cũng như nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: