Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

10:12, 12/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về bảo tồn văn hóa các dân tộc, huyện Ba Tơ đã và đang triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ chiếm 84% dân số toàn huyện. Trong suốt chiều dài lịch sử, đồng bào dân tộc Hrê không chỉ giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đoàn kết gắn bó và một lòng theo Đảng, Bác Hồ, kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà còn là dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống hết sức phong phú và độc đáo. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ nói riêng là nhiệm vụ được các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan ở huyện Ba Tơ hết sức coi trọng.

Nghệ nhân Phạm Văn Sây trình diễn đánh chiêng.
 Ảnh: TẤN KHÂM
Nghệ nhân Phạm Văn Sây trình diễn đánh chiêng. Ảnh: TẤN KHÂM

Trưởng phòng  VH - TT huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh cho biết, để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Dự án 6, Phòng VH - TT huyện tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể từng năm để thực hiện. Trong đó, phòng tham mưu UBND huyện tổ chức trưng bày chuyên đề “Nghề đan mây tre, dệt thổ cẩm và làm rượu cần của đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ” tại huyện Ba Tơ và tại tỉnh. Biên tập và xuất bản tập sách “Ba Tơ- đất nước - con người” năm 2022. Xuất bản đĩa nhạc Karaoke những bài hát về Ba Tơ dưới hình thức song ngữ tiếng Kinh và tiếng Hrê. Tổ chức liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca 2 năm 1 lần; liên hoan nghệ thuật quần chúng 2 năm 1 lần; liên hoan thôn - tổ dân phố văn hóa tiêu biểu 3 năm 1 lần. 

Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ đặc biệt chú trọng việc mở các lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc Hrê. Từ năm 2019 đến nay, Phòng VH - TT huyện tổ chức 12 lớp truyền dạy văn hóa vật thể đánh chiêng 3 và nghệ thuật trình diễn chiêng 3; văn hóa phi vật thể hát Ta lêu và Ca choi truyền thống của dân tộc Hrê huyện Ba Tơ. Mỗi lớp từ 30 - 40 học viên, nhằm truyền dạy cho học sinh và đoàn viên, thanh niên ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Huyện cũng  thành lập đội dệt thổ cẩm, đội múa cồng chiêng và đội hát Ta lêu, Ca choi để phục vụ mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời, quảng bá, duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Hrê tại Làng Teng, xã Ba Thành, thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang và Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ... Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và tỉnh, huyện Ba Tơ đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 23 nhà văn hóa trên địa bàn huyện.

Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Tơ có 2 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân là ông Đinh Văn Ước, ở thị trấn Ba Tơ và ông Phạm Văn Sự, ở xã Ba Vinh. Ngoài ra, huyện có 4 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú: Ông Phạm Văn Kít, ở thị trấn Ba Tơ; ông Phạm Văn Rôm và Phạm Văn Vể, ở xã Ba Vinh; ông Phạm Văn Sây, ở xã Ba Thành. Đây là những nghệ nhân có nhiều công lao trong giữ gìn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện.

“Việc đẩy mạnh thực hiện các nội dung của Dự án 6 sẽ giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn văn hóa dân tộc; phong trào văn hóa văn nghệ phát triển sẽ nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Đỉnh nhấn mạnh.

SÔNG THƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:12, 12/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.