Sơn Tây, từ không đến có

21:04, 18/01/2025
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa xuân này, huyện vùng cao Sơn Tây bước sang tuổi 31. Nhìn lại những mùa xuân đã qua, chính những con số ấn tượng về thành tựu kinh tế - xã hội được huyện xây đắp "từ không đến có”, đã khẳng định sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.

Quê hương đổi mới

Mùa xuân của 31 năm về trước, người dân vùng cao Sơn Tây đã cùng nhau đề đạt nguyện vọng thành lập huyện Sơn Tây. Thể theo nguyện vọng này, ngày 6/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định 83/CP tách huyện Sơn Hà thành huyện Sơn Tây và huyện Sơn Hà. Từ đó, Sơn Tây trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ngãi cho đến hôm nay.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng tham quan mô hình trồng dứa ở xã Sơn Bua.  ẢNH: THANH KHÁNH 
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng tham quan mô hình trồng dứa ở xã Sơn Bua.  ẢNH: THANH KHÁNH 

Từ ngày tái lập huyện đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sơn Tây đã vượt qua khó khăn, thử thách, gặt hái nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đến nay kinh tế huyện Sơn Tây đang dịch chuyển dần theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; thu ngân sách hằng năm đều đạt kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, năm 2024, giá trị sản xuất ước đạt 1.175 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2023, đạt 101,2% kế hoạch. Trong cơ cấu kinh tế, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 15,7%; công nghiệp - xây dựng 62,2%; dịch vụ 22,1%. Thu nhập bình quân ước đạt gần 60 triệu đồng/người/năm; lương thực bình quân đạt 327kg/người/năm...

Trong suốt chặng đường dài phát triển, huyện Sơn Tây không có tên trên bản đồ phân bố công nghiệp của Quảng Ngãi. Song những năm gần đây, vùng cao này đã phát huy lợi thế, thu hút nhiều dự án năng lượng. Toàn huyện hiện có 9 công trình thủy điện được quy hoạch, với tổng công suất trên 264MW. Trong đó, có 6 dự án (tổng công suất 214MW) đã đi vào vận hành, góp phần bổ sung nguồn điện lưới quốc gia và tạo nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, đạt hơn 350% kế hoạch, trong đó nguồn thu từ các dự án thủy điện chiếm tỷ trọng lớn.

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện hiện nay có bước đột phá mạnh mẽ. Năm 1994, toàn huyện chỉ có 15km đường giao thông từ Sơn Hà đến trung tâm huyện Sơn Tây được thông tuyến, các tuyến đường đến xã chỉ là đường mòn. Đến nay, huyện có Tỉnh lộ 623 dài 27km nối với Quốc lộ 24B đi qua địa bàn huyện; có 39km đường Trường Sơn Đông kết nối Sơn Tây với các tỉnh Tây Nguyên. Mạng lưới đường giao thông đến thôn, khu dân cư được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh.  

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Sơn Tây đã lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư xây dựng các công trình, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng các xã. Kết quả, đến nay, huyện Sơn Tây có 9/9 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; trong đó có 2 xã đang chuẩn bị về đích NTM là Sơn Dung và Sơn Mùa. Huyện Sơn Tây cũng chú trọng phát triển hài hòa giữa các vùng, giảm nghèo bền vững; số hộ nghèo mỗi năm đều giảm mạnh. Dấu ấn quan trọng khác của Sơn Tây trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đã xây dựng và đưa vào khai thác thành công bản đồ thổ nhưỡng phục vụ người dân trong lựa chọn cây trồng phù hợp với đất đai.

Đặc biệt, hiện nay huyện Sơn Tây đã hình thành được vùng cây ăn quả diện tích lớn ở một số xã, như Sơn Liên (chuyên trồng ổi, chuối, dứa, bưởi), Sơn Long (bưởi, ổi, chuối), Sơn Bua (dứa); Sơn Lập (ổi, sầu riêng, bưởi). Đến nay, Sơn Tây đã huy động được một số doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ, chế biến nông sản, đưa sản phẩm địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Hiện tại, huyện đã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, huyện tiếp tục có thêm 8 - 10 sản phẩm khác được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Lĩnh vực GD&ĐT ở Sơn Tây đã có sự chuyển biến tích cực. Năm 1994, toàn huyện chỉ có 525 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 và có 2/3 điểm dân cư “trắng” về giáo dục; có 92,8% số người từ 15 đến 35 tuổi mù chữ. Đến nay, huyện có 20 cơ sở trường học từ bậc mầm non đến THPT; quy mô và cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Có 10/19 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có nhiều tiến bộ, với 8/9 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.

Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay

Trong câu chuyện với chúng tôi trước thềm Xuân mới Ất Tỵ 2025, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng chia sẻ, những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Sơn Tây sau hơn 30 năm tái lập huyện là rất to lớn. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế và sự mong đợi của người dân thì vẫn còn nhiều trăn trở. “Nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Sơn Tây trong lãnh đạo nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững còn rất nặng nề. Thế nhưng, chúng tôi luôn tin tưởng Sơn Tây sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, vì nhân dân luôn đoàn kết, đồng hành”, đồng chí Lê Văn Tùng cho biết.

Người dân Sơn Tây vui đón Tết cổ truyền dân tộc.    ẢNH: T.N
Người dân Sơn Tây vui đón Tết cổ truyền dân tộc.    ẢNH: T.N

Trong năm 2025, Sơn Tây sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, từng bước xây dựng trung tâm huyện đạt đô thị loại V; khai thác tốt tiềm năng sẵn có để phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, liên hoàn, vững chắc...

Trước mắt, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng 6 - 7,7%; thu ngân sách nhà nước đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; tiếp tục xây dựng NTM gắn với việc thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, không ngừng quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, đặc biệt là huy động các nguồn lực sớm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn huyện.

ĐÀO PHÁT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:04, 18/01/2025

Ý kiến bạn đọc


.