(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SX, KD) giỏi ở huyện Bình Sơn ngày càng phát triển, giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Vườn ươm keo lai giâm hom của anh Đặng Văn Định, ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết, để phong trào “Nông dân thi đua SX, KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đi vào đời sống, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đã đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động, giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của phong trào, xem đây là một trong những phong trào lớn của hội nhằm góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Hằng năm, Hội Nông dân huyện ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh huyện Bình Sơn, giải ngân vốn cho hội viên nông dân có nhu cầu, để đầu tư mở rộng SX, KD. Ngoài ra, hội còn huy động các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân gắn với triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tham quan, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, phong trào nông dân thi đua SX, KD giỏi trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, toàn huyện có trên 18 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu SX, KD giỏi các cấp. Trong đó, cấp cơ sở có trên 15 nghìn hộ, cấp huyện 2.953 hộ, cấp tỉnh 223 hộ, cấp trung ương 30 hộ.
Xuất thân từ một gia đình nông dân, ở tuổi 40, anh Nguyễn Phú Thường, ở thôn An Điềm II, xã Bình Chương đã là ông chủ của một công ty sản xuất gỗ lạng thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Anh Thường là người giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm. Từ làm gỗ mộc bình thường, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình làm gỗ lạng, anh đã mạnh dạn vay tiền từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng vốn tích lũy của gia đình đầu tư mua máy móc, xây dựng xưởng với số tiền hàng tỷ đồng và hoạt động rất hiệu quả. “Trước đây, khi làm nghề mộc dân dụng, nhận thấy được nguồn đầu vào ở quê rất dồi dào nên tôi chuyển qua sản xuất gỗ lạng, rồi gỗ băm dăm, cung cấp chủ yếu cho Công ty CP Đường Quảng Ngãi và Nhà máy Bia Sài Gòn. Mỗi tháng tiêu thụ 600 tấn gỗ băm dăm nhưng không đủ hàng. Cũng nhờ làm ăn thuận lợi mà mình giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”, anh Thường chia sẻ.
Vườn ươm keo lai giâm hom của anh Đặng Văn Định, ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp có quy mô 5.000m2 với hơn 1 triệu cây giống. Anh Định là một trong những hộ nông dân đi đầu trong phong trào thi đua SX, KD giỏi. Nhờ siêng năng, cần cù trong lao động, gia đình anh luôn đạt được hiệu quả trong sản xuất nhờ chuyển đổi từ cây giâm hạt sang cây giâm hom. Để cây trồng sinh trưởng tốt, anh phải vào tận Viện Nghiên cứu cây trồng miền Nam ở Đồng Nai mua cây giống, học hỏi kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, anh đã phát triển vườn ươm từ 4.000 cây giống ban đầu lên 1,5 triệu cây. Vườn ươm của anh giải quyết việc làm quanh năm cho 15 lao động với 300 nghìn đồng/ngày công. Mỗi năm, vườn ươm tiêu thụ 1,2 triệu cây, thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Năm 2023, với chủ trương đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, hội nông dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Bình Sơn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn hội viên nông dân ra mắt nhiều mô hình kinh tế. Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tiêu biểu như mô hình trồng cây nén ở xã Bình Hòa; mô hình chăn nuôi gà ở xã Bình Hiệp; mô hình tổ hợp tác “Chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản”, “Sản xuất lúa lai” ở xã Bình Dương; mô hình chăn nuôi thỏ thịt và thỏ giống ở xã Bình Trị; mô hình hoa và mô hình rau an toàn ở thị trấn Châu Ổ...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phát động phong trào nông dân SX, KD giỏi trên địa bàn huyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, góp phần nâng cao nhận thức của đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, nông dân. Cùng với đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất đối với các loại hình và đối tượng để SX, KD phù hợp gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, phù hợp với từng hội cơ sở; tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình SX, KD giỏi và hỗ trợ có hiệu quả đối với các hộ nghèo...
Bài, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: