Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận, góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

17:13, 23/11/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 22/11, Quốc hội họp phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tham gia thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo luật.
 
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lương Văn Hùng đánh giá hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị công phu, đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Đại biểu Hùng thống nhất sửa đổi quy định về ngạch, bậc của thẩm phán. Theo đó, quy định ngạch Thẩm phán TAND gồm: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán. Trong đó, Thẩm phán TAND tối cao có 2 bậc, Chánh án TAND tối cao giữ bậc cao nhất, ngạch thẩm phán có 9 bậc. Về vấn đề này, đại biểu Hùng cho rằng sẽ khắc phục các vướng mắc của thực tiễn về quy định các ngạch thẩm phán hiện nay.
 
Theo quy định hiện hành thì các ngạch thẩm phán gồm thẩm phán sơ cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán cao cấp, tương ứng với các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Việc quy định các ngạch thẩm phán tương ứng với các ngạch chuyên viên thông thường là không phù hợp vì để được bổ nhiệm thẩm phán, thì phải có ít nhất 6 năm công tác và phải vượt qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán. Tuy nhiên, khi bổ nhiệm lại chỉ tương đương với một chuyên viên vừa mới ra trường là không phù hợp.
 
Đại biểu Lương Văn Hùng thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: VĂN TÂN)
Đại biểu Lương Văn Hùng thảo luận tại phiên họp. Ảnh: VĂN TÂN.

Việc quy định 2 ngạch thẩm phán sẽ nâng cao sự tín nhiệm đối với các thẩm phán công tác tại Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Đồng thời, cũng bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các thẩm phán… Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định điều kiện xét nâng bậc, ngoài thời gian giữ bậc còn quy định về kết quả công việc được xác định theo chất lượng và số lượng vụ việc tham gia giải quyết của thẩm phán trong thời gian giữ bậc là đã bảo đảm sự phân hóa về trình độ, năng lực giữa các thẩm phán, tạo động lực phấn đấu, cống hiến của thẩm phán.

Về quy định nhiệm kỳ của thẩm phán, đại biểu Hùng thống nhất quy định thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm; khi được bổ nhiệm lại thì không giới hạn thời gian. Quy định này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng theo Nghị quyết 49-NQ/TW về tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không kỳ hạn; đồng thời sẽ góp phần giảm bớt thủ tục xem xét, bổ nhiệm lại thẩm phán; khắc phục tình trạng án tồn đọng vì thiếu thẩm phán do một số thẩm phán khi hết nhiệm kỳ không được tham gia xét xử, giải quyết án, phải chờ quy trình tái bổ nhiệm kéo dài, gây lãng phí nguồn nhân lực của tòa án.
BÁ SƠN – VĂN TÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 17:13, 23/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.