Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

14:33, 28/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có khoảng 6.450 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó 97% là DN nhỏ và vừa. Yêu cầu đặt ra đối với các DN hiện nay là phải đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Đòn bẩy từ công nghệ số

Tiền thân là DN nhà nước (thành lập năm 1978), đến năm 2000, Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi được cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo Luật DN từ ngày 1/1/2001. Trước năm 2000, công ty chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công nên năng suất thấp, chỉ vài nghìn tấn sản phẩm/năm. Đòn bẩy tạo sức bật cho công ty vào năm 2001, khi Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi áp dụng quy trình công nghệ của Viện Công nghệ hóa học TP.Hồ Chí Minh với dây chuyền thiết bị hiện đại, liên hoàn, khép kín, đưa năng suất lên hơn 15 nghìn tấn sản phẩm/năm. Chất lượng sản phẩm phân bón của công ty bắt nhịp nhu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt của người dân. Đơn cử như, công ty cho ra đời dòng sản phẩm phân bón NPK sử dụng cho hệ thống nước tưới nhỏ giọt, các loại phân NPK tan nhanh, phân chậm tan, phân hữu cơ...

Dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi.
Dây chuyền sản xuất phân bón của Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi.

“Để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, công ty không ngừng đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài đầu tư dây chuyền công nghệ, công ty còn áp dụng công nghệ số vào cải tiến sản phẩm, tăng doanh số và mở rộng thị trường. Các phần mềm hiện đại giúp công ty dễ dàng quản lý, giám sát công việc, quy trình sản xuất như phần mềm quản lý DN trong vận hành sản xuất, quản lý tài chính, nhân sự, tiền lương, hệ thống bán hàng và đại lý. Lãnh đạo công ty hoàn toàn chủ động theo dõi các báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động, từ đó kịp thời đưa ra những chiến lược quản trị phù hợp”, Giám đốc Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi Trần Đức Dũng cho hay.
Một trong những phần mềm mang lại hiệu quả rõ rệt mà Công ty CP Phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi áp dụng là phần mềm quản lý hệ thống đại lý, giúp công ty theo dõi sản phẩm tồn kho tại đại lý, công nợ, dư nợ. Đồng thời, thông qua phần mềm này, công ty nhận được phản hồi của khách hàng một cách nhanh chóng, chuẩn xác.

Tại Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi, chuyển đổi số giúp DN thực hiện mục tiêu “Khách hàng là trung tâm” một cách cụ thể, rõ nét hơn. Thời gian qua, công ty đã sử dụng các ứng dụng quản lý khách hàng tổng thể, thông báo tin nhắn cho khách hàng qua điện thoại di động, ghi/thu tiền trực tuyến bằng điện thoại thông minh, thu tiền nước qua dịch vụ ngân hàng. Khách hàng có thể đăng ký dùng nước mà không cần đến trụ sở đơn vị cấp nước. Trong quá trình sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể kiểm tra, giám sát lịch sử dụng nước và thanh toán mọi lúc mọi nơi, kể cả thanh toán cho người thân... Hiện nay, hơn 80% khách hàng thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi đã áp dụng công nghệ tự động vào quá trình sản xuất nước và quản lý mạng lưới, như công nghệ biến tần để ổn định áp lực trên mạng lưới; công nghệ tự động điều khiển máy bơm từ xa qua sóng wifi; công nghệ giám sát camera. Việc ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại tại Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi đã thúc đẩy người lao động không ngừng học hỏi, đầu tư tìm hiểu về công nghệ để nâng cao hiệu quả công việc. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ và giúp công ty nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng.

“Để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mà trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh là giải pháp tối ưu giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm".

Phó Giám đốc Sở KH&CN TRẦN CÔNG HÒA

 

Để doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi số

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) tại Hội thảo “Chuyển đổi số DN - Phục hồi và phát triển”, được tổ chức tại Quảng Ngãi vào năm 2022, chuyển đổi số trong DN được định nghĩa là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh tạo ra các giá trị mới cho DN”. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh, quy trình báo cáo phối hợp công việc trong DN, cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN.

Trong xu thế phát triển chung, nhiều DN đã nỗ lực, sáng tạo đưa công nghệ mới, phần mềm tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, quản lý. Song thực tế cho thấy, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn còn lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu và gặp rất nhiều khó khăn để chuyển đổi số. Bởi chi phí đầu tư cho chuyển đổi số cao, trong khi nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hơn nữa, một số DN thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh của người lao động còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về điều này, đại diện Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT cho biết, từ trước đến nay, phần lớn người lao động tại công ty đã quen thuộc với những cách thức marketing, phương thức tiếp cận thị trường truyền thống. Do đó, công ty xác định người lao động cần có thời gian để làm quen, tiếp cận với công nghệ số, thành thạo các kỹ năng số, nhất là người đứng đầu phải khích lệ, động viên người lao động của công ty. Hiện nay, công ty đang chú trọng xây dựng đội ngũ kế thừa, tiếp cận có sự nhạy bén, linh hoạt bắt nhịp các xu thế phát triển mới.

Hệ thống tủ biến tần điều khiển lưu lượng bơm để đảm bảo áp lực mạng lưới cấp nước ổn định của Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi.    
Hệ thống tủ biến tần điều khiển lưu lượng bơm để đảm bảo áp lực mạng lưới cấp nước ổn định của Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi.    

Kinh tế số là một trong ba trụ cột chuyển đổi số (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số). Do vậy, chuyển đổi số cũng chính là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu được quan tâm hàng đầu hiện nay của các DN. Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Công Hòa, để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mà trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Giải pháp chuyển đổi số, sản xuất thông minh là giải pháp tối ưu giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, Sở KH&CN đã triển khai Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 18/1/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình Quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 457/QĐ-UBND ngày 31/3/2020 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Mới đây, Sở KH&CN cũng đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức các khóa đào tạo về chuyển đổi số, tập huấn về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc cho các cá nhân, DN. Thời gian đến, Sở KH&CN tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị DN; công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế...

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.