Kết nối giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

15:10, 15/04/2023
.

(Baoquangngai.vn)- Chiều 14/4, Hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư thương mại giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã diễn ra tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa).

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cùng đại diện lãnh đạo các hiệp hội và hơn 200 doanh nghiệp đến từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, TP.Hồ Chí Minh có vai rất trò quan trọng, là động lực, đầu tàu trong nhiều lĩnh vực của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Thành phố mang tên Bác là nơi tập trung các nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa có quy mô và tầm ảnh hưởng rất lớn; là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước và là cửa ngõ kết nối giao thương quan trọng với khu vực và thế giới.

Trong những năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Mỗi khu vực trong vùng đều có vị trí quan trọng khác nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nhờ đó, có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cần được khai thác, liên kết phát triển.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa TP.Hồ Chí Minh và 6 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là những hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng hóa của các tỉnh đã tiếp cận các hệ thống phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh như: Saigon Co.op, MM Mega Market, Central Retail...

Một số sản phẩm đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm giá trị sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại các địa phương. Ngược lại, một số tập đoàn lớn đã nghiên cứu, mở các chi nhánh trên địa bàn các tỉnh, tạo động lực phát triển hạ tầng thương mại của địa phương theo hướng hiện đại.

Đại diện doanh nghiệp, nhà phân phối tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ về những điều kiện để đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị.
Đại diện doanh nghiệp, nhà phân phối tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ về những điều kiện để đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kết nối, phân phối hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Những hạn chế này cần tiếp tục được khắc phục và có định hướng, giải pháp trong thời gian tới, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, kích thích mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tin tưởng rằng, với tiềm lực về tài chính, mạng lưới thị trường rộng khắp trong nước, quốc tế và kỹ năng quản trị kinh doanh tốt của các tập đoàn, với phương châm “TP.Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP.Hồ Chí Minh”, doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh và tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của các doanh nghiệp 6 tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ tiếp tục kết nối hiệu quả hơn nữa. Qua đó, tạo ra chuỗi giá trị sản xuất - cung ứng, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, hiện đại, đảm bảo yêu cầu về hình thức, mẫu mã, chất lượng, kỹ năng phục vụ, đáp ứng đủ mọi điều kiện để lưu thông trên thị trường và hướng tới sự phát triển bền vững cho tất cả các bên có liên quan.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhiều thảo luận, đóng góp ý kiến về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh trong vùng.

Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã các địa phương phát biểu tại hội nghị.
Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã các địa phương phát biểu tại hội nghị.

Đại diện một số doanh nghiệp, nhà phân phối tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp ở các địa phương có sản phẩm độc đáo, đặc sản có giá trị cao, nhưng sản lượng ít, quy mô nhỏ nên khó đi vào chuỗi siêu thị lớn. Do đó, để nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã lên được kệ siêu thị, đòi hỏi cần có quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khâu giám sát chặt chẽ từ chất lượng, hình ảnh, quảng bá...

Giải đáp những khó khăn doanh nghiệp địa phương nêu ra, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, trong thời gian qua, việc tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt và đưa nông sản Việt lên hệ thống các siêu thị lớn đã làm nhiều, nhưng còn vướng mắc. Vì vậy, Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất cần cộng đồng trách nhiệm xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất. Phía Nhà nước phải có sự đầu tư về các vấn đề đào tạo, huấn luyện nông dân từng bước đi lên. Tất cả các tỉnh xây dựng không gian, các kệ trưng bày sản phẩm địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương về thành phố.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các địa phương, hệ thống phân phối tại TP.Hồ Chí Minh đã ký kết giao thương với các doanh nghiệp cung ứng của các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. 

Tin, ảnh: LAM UYÊN


Ý kiến bạn đọc


.