(Báo Quảng Ngãi)- Phát biểu tại phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện việc xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải quán triệt tư duy ai quản lý tốt nhất thì giao, người dân và doanh nghiệp (DN) được làm những gì luật không cấm; cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo; cái gì DN và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xem triển lãm ảnh nghệ thuật: “Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững” tổ chức tại Bình Định, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: P.D. |
Đây chính là tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là tư duy cải cách mạnh mẽ, thể hiện sự chuyển đổi quan trọng trong quản lý nhà nước, từ mô hình quản lý mang tính kiểm soát cứng nhắc sang mô hình tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Việc hiện thực hóa những quan điểm này sẽ góp phần triển khai, cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng, các thông điệp, định hướng lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó Tổng Bí thư từng nhấn mạnh: "Làm sao phải kiến tạo sự phát triển, phải huy động được sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị để kiến tạo phát triển" (tại cuộc tiếp xúc với cử tri TP.Hà Nội sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, tính linh hoạt và sáng tạo không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc loại bỏ tư duy quản lý cổ hủ “không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản” đã khẳng định một tầm nhìn mới cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng, dẫn đầu trong hành trình cải cách tư duy quản lý nhà nước.
Ở nhiều quốc gia phát triển, người dân và DN được tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, điều này không chỉ thúc đẩy sáng tạo mà còn phát huy tối đa tiềm năng xã hội. Áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn, Việt Nam đang từng bước hình thành một môi trường tư duy mở, nơi giá trị sáng tạo được tôn trọng và bảo vệ. Quan điểm mới về việc giao quyền quản lý cho các tổ chức, cá nhân có năng lực vượt trội là một trong những giải pháp then chốt nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này không những giúp tập trung nguồn lực vào những nhiệm vụ chiến lược quan trọng như phát triển cơ sở hạ tầng và bảo đảm công bằng xã hội mà còn khuyến khích sự năng động trong nền kinh tế.
Để thúc đẩy tiến trình này, việc rà soát và cải tiến hệ thống pháp luật là cực kỳ cần thiết. Sự minh bạch, đồng bộ trong pháp chế không chỉ tạo niềm tin cho người dân, DN mà còn là nền móng cho một nền kinh tế thị trường ổn định, phát triển. Việc nâng cao năng lực của cán bộ, công chức trong việc thực thi và giám sát chính sách cũng là động lực quan trọng, bổ sung nhằm hiện thực hóa các cải cách. Ngoài ra, đổi mới tư duy quản lý không chỉ phụ thuộc vào Nhà nước mà còn cần có sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội. Từ DN đến người dân, ai cũng có vai trò và trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
PHẠM DANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: