Nguy cơ từ núi lở

09:42, 23/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua trận siêu bão Yagi (bão số 3) vừa rồi cho thấy, một khi người dân tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền qua những “mệnh lệnh nóng” thì thiệt hại về người sẽ không đáng kể. Cơn bão đã gây cảnh tan hoang cho những địa phương mà nó đi qua, nhưng những trận lở núi sau đó thì còn kinh hoàng hơn.

Thôn Làng Nủ chỉ còn là một bãi đất trống sau trận lũ quét kinh hoàng. ẢNH: BÁO LÀO CAI
Thôn Làng Nủ chỉ còn là một bãi đất trống sau trận lũ quét kinh hoàng. ẢNH: BÁO LÀO CAI

Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để tránh, chứ sạt lở núi thì khó biết được nên cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các phương tiện thông tin đại chúng chỉ khuyến cáo. Được như anh Trưởng thôn Kho Vàng Vàng Seo Chứ, ở xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai), đã quyết định chuyển dân cấp tốc nên 115 người trong thôn tránh được cảnh bị núi vùi lấp như ở Làng Nủ, thì chẳng có mấy người.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao đã gắn bó với núi rừng từ bao đời nay, nhưng cảnh sạt lở vùi lấp cả làng như những năm vừa qua là hiếm khi xảy ra. Đổ lỗi cho chuyện phá rừng, san bạt nhiều ngọn đồi để mở đường, làm thủy điện, rồi thời tiết ngày một diễn biến phức tạp hơn… là nguyên nhân gây cảnh sạt lở như thế, là không sai. Nhưng điều quan trọng cần làm là kiểm tra, rà soát những điểm có nhiều khả năng sạt lở đe dọa đến tính mạng người dân để đưa ra những quyết định di dời dân trước khi tai họa ập đến.

Cũng có cái khó của chuyện dời làng, nhất là những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số, một khi chưa thấy nguy cơ sạt lở rõ ràng. Những tập tục của người dân miền núi trong chuyện bỏ làng để định cư ở một nơi khác, vẫn luôn là rào cản cho các nhà hoạch định chính sách. Hơn nữa, việc quy hoạch các khu dân cư cho người dân vùng cao khi địa hình ở nhiều nơi không cho phép san gạt, can thiệp quá mức vào nền địa chất đã ổn định cũng là một khó khăn không nhỏ.

Sau các trận bão là mưa lũ và sạt lở, đó gần như là quy luật lâu nay. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị đối phó với bão, chính quyền địa phương vùng cao, nhất là các già làng, trưởng bản cần sâu sát hơn, kiểm tra, theo dõi kỹ các điểm có nguy cơ sạt lở để kịp thời triển khai phương án ứng phó, tránh những tai họa xảy ra. Bài học kinh nghiệm cứu dân của Trưởng thôn Kho Vàng  ở Lào Cai vẫn còn nóng hổi để các già làng vùng cao học tập.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 09:42, 23/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.