Để giá cau được ổn định

16:26, 09/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, đi về vùng nông thôn - những nơi trồng nhiều cau như huyện Nghĩa Hành, các xã phía tây huyện Tư Nghĩa, một số vùng ở huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn... sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều thương lái đi mua cau.

Chưa năm nào cau được giá như năm nay. Mới đầu vụ hôm tháng 6/2024 đã là 50 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 65 nghìn đồng/kg. Với giá như thế, người trồng cau năm nay lãi lớn. Nhiều gia đình ở nông thôn, sở hữu vài trăm cây cau đã có thể thu về hàng chục triệu đồng trong vụ cau này. Những năm trước, giá cau tụt dài chỉ còn 2.000đồng/kg nhưng chẳng có người mua. Nhiều rẫy cau ở huyện Sơn Tây, người dân cứ để cau chín đỏ trên cây mà cũng chẳng buồn làm cỏ để đợi mùa sau. Người trồng cau không bao giờ đoán trước được giá cả của vụ cau sắp thu hoạch. Nhiều chủ vựa mua hàng chục tấn cau với giá cao để về sơ chế bằng cách sấy khô trước khi xuất khẩu, nhưng rồi đột ngột cau rớt giá nên lỗ nặng là vậy.

Hiện nay giá cau tăng lên 65 nghìn đồng/kg. Ảnh minh họa
Hiện nay giá cau tăng lên 65 nghìn đồng/kg. Ảnh minh họa

Cau là loại cây dễ trồng. Bóng râm của loại cây này cũng không đáng kể nên người ta có thể trồng xen các loại hoa màu bên dưới. Thường thì cau được trồng ở các bờ rào vùng nông thôn. Công chăm sóc cau cũng đơn giản chứ không như các loại cây khác. Khoảng chục năm trở lại đây, dù giá cả bấp bênh, song cây cau vẫn được người dân các vùng quê lựa chọn. Nhiều nhà vườn đã trưng dụng hết diện tích đất để trồng cau. Chỉ cần một năm được giá như năm nay, có rớt giá 2 năm trước thì vẫn có đồng ra đồng vào và tích lũy được chút ít.

Ở huyện Sơn Tây - “thủ phủ” của cây cau, những năm được mùa, nhiều thương lái lên đây mua cau và sơ chế tại chỗ. Dọc các trục đường chính ở huyện vùng cao này có rất nhiều điểm thu mua cau và sơ chế cau. Những năm cau rớt giá như vài năm trước, các điểm thu mua từng náo nhiệt thì bỗng lặng như tờ. Giá cau rớt thê thảm nhưng cũng không có người mua.

Cũng như một số loại nông sản khác như dưa hấu, nhãn lồng, mặt hàng cau phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm nào Trung Quốc tiêu thụ mạnh thì năm đó người trồng cau có lãi. Ngược lại, năm nào Trung Quốc không tiêu thụ thì cau bỏ luôn trên cây! Nhiều người nói rằng, hạt cau được dùng để chế biến thành kẹo. Nếu thế thì tại sao chúng ta không chế biến luôn thành một sản phẩm hoàn chỉnh? Có lẽ các nhà quản lý cùng các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ câu chuyện về trái cau để đưa ra giải pháp hiệu quả nhất. Một khi tìm được giải pháp thì người trồng cau mới yên tâm gắn bó với loại cây này.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:  

  

Xuất bản lúc: 16:26, 09/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.