Chỗ dựa cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:10, 30/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể ví như vậy để nói về các hợp tác xã (HTX) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay trong tỉnh. Mô hình HTX được người dân ủng hộ và tự nguyện gia nhập để thành những xã viên là vì nó mang lại hiệu quả sát sườn cho họ. Thông qua các mô hình sản xuất, cán bộ của các HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Chính điều này đã từng bước giúp thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hộ kinh tế gia đình cũng theo đó mà phát triển đúng hướng, góp phần hạn chế phá rừng làm nương rẫy.

Từ những mô hình sản xuất, gần như “cầm tay chỉ việc” này, người dân đã có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Đứng về phía HTX, họ trở thành những đại lý thu mua nông sản ổn định cho người dân để bán lại cho các nhà phân phối.

Phát triển HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện được nhiều địa phương chú trọng để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản. Đã có 65 HTX được hình thành ở các huyện miền núi trong tỉnh, góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo, từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân vùng cao.

Thực tế, cản ngại lớn nhất để “miền núi tiến kịp miền xuôi” không chỉ là vấn đề giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đồng bào còn duy trì các tập tục lạc hậu, mà cái chính là hiệu quả sản xuất còn thấp. Quanh năm làm lụng ngoài rẫy, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn hiển hiện trước mắt người dân. Cả một rẫy lúa rộng hàng héc ta, nhưng những gì mà người dân thu hoạch được thì không đáng là bao. Trồng trọt đã vậy, chăn nuôi cũng không khá hơn. Gia súc, gia cầm cứ thả rông, vừa ô nhiễm môi trường vừa không hiệu quả về kinh tế.

Thế nhưng, có HTX, hầu như những gì được cho là thói quen lạc hậu đã thay đổi. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao chỉ tin Nhà nước một khi họ nhìn thấy tận mắt những gì mà cán bộ tuyên truyền. Hợp tác xã Nông nghiệp sạch ở Sơn Hà là một ví dụ điển hình cho “tinh thần khai phá” để đẩy lùi cái cũ, cái lạc hậu vào quá khứ, mở đường cho một kiểu làm ăn mới.

Chẳng hạn như cây ớt xiêm hoặc rau dớn là những thứ mọc hoang ngoài rừng, kể từ khi HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà ra đời, lập tức loại cây tưởng chừng như “vất đi” này bỗng nhiên có giá, vì hợp tác xã đã thu mua với giá cao nên người dân luôn để tâm và chăm chút cho các loại rau này. Hoặc như trước đây, đồng bào Hrê thả rông từ gà cho đến heo, giờ nhờ cán bộ HTX hướng dẫn cách chăn nuôi “sạch” để thu mua với giá “có lãi”, lập tức người dân thay đổi ngay cách nuôi gia súc, gia cầm. Khái niệm “gà đi bộ”, heo chỉ ăn rau, cám... đã được người dân áp dụng triệt để, vì nó mang lại lợi nhuận cho họ.

Nhiều người Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã thay cây keo lai bằng các loại cây cho quả mang lại hiệu quả kinh tế như bưởi da xanh, ổi... cũng chính là nhờ các HTX đã “vỡ vạc” cho họ. Hay như cây chuối hột thường bỏ chín rục ngoài rừng thì nay đã có HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại Dịch vụ Sơn Bua “bao tiêu” nên loại chuối này nay có giá hẳn.
Diện mạo của các vùng quê hiện đã có nhiều đổi thay tích cực, các HTX đã góp công rất lớn vào sự thay đổi này, thực sự là chỗ dựa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

  

Xuất bản lúc: 10:10, 30/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.