“Lỗ hổng” quản lý an toàn thực phẩm

10:08, 31/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người ăn bánh mì tại một tiệm ở giữa lòng TP.Quảng Ngãi và bị ngộ độc phải nhập viện, nhưng chủ tiệm không có bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến kinh doanh thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về "lỗ hổng" trong quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).

Kinh doanh ngay trong chợ đầu mối nông sản Quảng Ngãi, tiệm bánh mì vừa khiến 6 người phải nhập viện vào ngày 25/5 vừa qua là một tiệm "3 không" - không đăng ký hộ kinh doanh, không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và không giấy tờ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu. Trước đó, vào đầu tháng 3, một vụ ngộ độc liên quan đến bánh mì khiến 23 người phải nhập viện cũng đã xảy ra tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Chủ tiệm bánh mì tại huyện Sơn Hà cũng không có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Trước thực trạng này, người tiêu dùng đặt dấu hỏi về công tác quản lý nhà nước đối với ATTP hiện nay. Nhất là sau vụ ngộ độc bánh mì tại tỉnh Đồng Nai khiến hơn 500 người ngộ độc vào đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh và dịch vụ ăn uống, ATTP tại các chợ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đặng Chính, các cơ sở sản xuất bánh mì, bán bánh mì có nhân tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nhưng theo quy định hiện hành, các hàng quán quy mô nhỏ lẻ, buôn bán lưu động và kinh doanh thức ăn đường phố không cần đăng ký kinh doanh, đồng nghĩa không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Đây là vướng mắc khiến công tác kiểm tra, quản lý ATTP đối với hàng quán quy mô nhỏ gặp khó khăn.

Luật An toàn thực phẩm đã quy định rằng, khi kinh doanh thức ăn đường phố, người kinh doanh phải dùng thực phẩm đảm bảo an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo đủ nước đạt chuẩn kỹ thuật phục vụ chế biến và kinh doanh thực phẩm. UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.

Vì vậy, chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp quản lý vệ sinh ATTP, đặc biệt là thức ăn đường phố để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Nếu không giải quyết triệt để những "lỗ hổng" trong quản lý, những vụ ngộ độc tập thể có thể tái diễn bất cứ lúc nào.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:08, 31/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.