Hình thành thói quen đọc sách 

09:30, 02/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ khi tham gia vận động tài trợ chuỗi thư viện mang tên Đặng Thùy Trâm, tôi biết nhiều học sinh (HS) có nhu cầu đọc sách nhưng thiếu sách để đọc. Các trường ở vùng quê, nhất là vùng sâu, vùng xa, HS có nhu cầu đọc sách khá cao. Lý do cũng dễ hiểu, nhiều HS ở đây chưa có điều kiện được cha mẹ sắm cho điện thoại thông minh như HS ở thành phố. Trong khi đó, thư viện ở trường các em học lại thiếu sách, nhất là những loại sách phù hợp với lứa tuổi mà các em yêu thích. Vì vậy, tài trợ sách cho thư viện ở các trường phổ thông là rất cần thiết. 

Có một trường THCS sau khi được tài trợ sách cho thư viện trường, thầy hiệu trưởng báo cáo cho nhóm anh chị em tài trợ chúng tôi là số lượng HS đọc sách tại thư viện trường, hay mượn sách về nhà đọc đã tăng gấp 10 lần. Nghe tin này, chúng tôi rất phấn khởi. 

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Kỳ (Sơn Hà) đọc sách tại thư viện của trường.         Ảnh: X.Hiếu
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Kỳ (Sơn Hà) đọc sách tại thư viện của trường.         Ảnh: X.Hiếu

Chúng ta thường nói về văn hóa đọc, nhưng nếu HS phổ thông không đọc sách thì lấy đâu ra văn hóa đọc, một khi các em trưởng thành, làm sao tạo được thói quen đọc sách. Nói tới đọc sách, thì phải nói tới thói quen. Nếu từ nhỏ đã có thói quen đọc sách, lớn lên sẽ duy trì và phát triển được thói quen ấy. Từ bản thân mình, qua tuổi nhỏ đọc sách, tuổi trưởng thành đọc sách, tuổi trung niên đọc sách, tôi nghiệm ra điều này: Nếu từ nhỏ ham đọc sách, thì sau này trưởng thành, sẽ giữ được niềm đam mê ấy. Và sách sẽ trở thành người bạn suốt đời. 

Với HS phổ thông, nếu tạo được thói quen đọc sách cho các em, sẽ góp phần quan trọng để chấn hưng văn hóa. Một khi người lớn biết giá trị của sách và thói quen đọc sách, cùng tham gia đóng góp sách cho các trường phổ thông, cho HS nhiều lứa tuổi, qua nhiều tháng năm, chúng ta sẽ có một “xã hội đọc sách”. Chúng ta thấy rất nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam để làm việc hay du lịch, ngồi ở đâu, dù là trên phương tiện giao thông công cộng hay ngồi một mình, họ đều có quyển sách trên tay, bởi với họ đọc sách là món ăn tinh thần không thể thiếu.  

Mong ước của những người lớn đọc sách là làm sao con cháu mình cũng đọc sách. Vì người lớn đều biết, đọc sách có lợi như thế nào cho bản thân mình và cho xã hội. Người đọc sách nhiều sẽ biết sống tử tế, vì sách dạy cho chúng ta những điều tốt đẹp nên làm trong cuộc sống.

THANH THẢO

      

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:30, 02/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.