Báo động tình trạng kháng thuốc

22:16, 28/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở Quảng Ngãi, không khó để bắt gặp trường hợp nhiều người tự đến nhà thuốc mua thuốc kháng sinh về sử dụng khi bị bệnh mà không cần chỉ định của bác sĩ, nhất là ở khu vực nông thôn. Uống thuốc một vài ngày thấy chưa khỏi, người bệnh lại đến nhà thuốc yêu cầu bán cho thuốc khác, hoặc tăng liều lượng...

Nhiều người không biết rằng, việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách, sử dụng quá mức, hoặc không đúng liều sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trong Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, nếu không có các biện pháp can thiệp ngay lập tức, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2050. WHO xác định tình trạng kháng thuốc kháng sinh là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu.

WHO khu vực Châu Âu đã thực hiện nghiên cứu tại 14 quốc gia, chủ yếu ở Đông Âu và Trung Á, kết quả cho thấy hơn 30% trong số khoảng 8.200 người được hỏi ý kiến cho biết đã sử dụng thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc. Ở một số quốc gia, hơn 40% thuốc kháng sinh được sử dụng mà không có khuyến nghị của bác sĩ. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là, sự phát triển và lây lan của siêu vi khuẩn đang tăng nhanh do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất trên thế giới. Ở nước ta đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Trong khi tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả, còn tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.  

“Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc” là thông điệp của Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới. Cần đẩy mạnh tuyên truyền và hành động mạnh mẽ trên toàn thế giới để nâng cao hiểu biết của mọi người về thuốc kháng sinh, ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Đối với Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, thời gian tới, cần triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ nay đến năm 2030, chiến lược đề ra 4 mục tiêu. Đó là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Chiến lược phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hoạt động hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

KHÁNH NA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 22:16, 28/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.