(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, vào tháng 10 năm nay, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Từ nay đến thời điểm đó chỉ còn chưa đầy 2 tháng, vì vậy, cùng với cả nước, Quảng Ngãi cũng đang khẩn trương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ để chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo 4 nhóm khuyến nghị của EC trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá được cải thiện theo hướng tăng. Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chính quyền và các hội đoàn thể chính trị - xã hội, chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá. Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, UBND TX.Đức Phổ đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống khai thác IUU. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn địa phương thiếu sâu sát trong công tác này, đơn cử như TP.Quảng Ngãi.
Để cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2023, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tập trung thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, việc đầu tiên là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn; tập trung tuyên truyền nội dung mới, các hành vi vi phạm của ngư dân, nhằm lan tỏa thông tin để ngư dân biết.
Các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Mộ Đức, TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi khẩn trương kiểm tra, rà soát kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh đảm bảo hiệu quả, bám sát thực tế của từng địa phương, đơn vị; trong đó, yêu cầu phải rõ việc, rõ trách nhiệm, thực thi có kết quả, tạo chuyển biến tốt hơn trước. Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong công tác chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá gắn với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sở NN&PTNT rà soát danh sách tàu cá của Quảng Ngãi nhiều năm không về địa phương để gửi các tỉnh bạn và các cảng cá nhằm tăng cường phối hợp quản lý; báo cáo Bộ NN&PTNT để thống nhất chỉ đạo chung cho các địa phương trên cả nước phối hợp quản lý tàu cá ngoài tỉnh...
Có thể thấy, việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Việt Nam. Bởi sau gần 6 năm Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của nước ta. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, giai đoạn 2015 - 2017, Liên minh Châu Âu (EU) từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của Việt Nam (chiếm 30 - 35%). Tuy nhiên, từ sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm dần qua từng năm. Như năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%. Đến năm 2022 - tức là sau 5 năm, tỷ trọng đã giảm còn 9,4%.
Ngoài ra, việc hải sản Việt Nam bị rút “thẻ vàng” IUU khiến việc xuất khẩu bị tác động lớn, với việc kiểm soát 100% lô hàng, thời gian thông quan kéo dài 2 - 3 tuần khiến đội chi phí. Không chỉ thị trường EU, hiện Nhật Bản cũng đã nêu vấn đề này, Hoa Kỳ cũng điều trần và Việt Nam cũng đã phải giải trình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế...
Gỡ “thẻ vàng” IUU ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, từng địa phương, đơn vị, từng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân và các tầng lớp nhân dân, hy vọng hành trình gỡ “thẻ vàng” IUU sẽ cho “quả ngọt”.
UYÊN ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: