Số dự án và giá trị nguồn vốn ODA cho nông nghiệp giảm

15:51, 06/12/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được hưởng mức lãi suất thấp, số lượng dự án và giá trị nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp giảm đi rõ rệt. Đối với Bộ NN&PTNT, kể từ năm 2019 đến nay, chưa có dự án vốn vay ODA mới nào được đàm phán, ký kết.

Đó là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng 6/12. Hội nghị có chủ đề “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NN&PTNT trong giai đoạn 2026 - 2030”, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi, có đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan.
 
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: Ý THU
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: Ý THU
 
Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ nguồn vốn ODA trong tổng số nguồn vốn đầu tư phát triển của bộ có thời điểm xấp xỉ 50%. Hầu hết vốn vay ODA đã được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai,…
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt, ký kết 5 chương trình, dự án vốn vay được thực hiện, với tổng giá trị 826 triệu USD, bao gồm 662 triệu USD vốn vay. Giai đoạn 2021 - 2025, chủ yếu thực hiện công tác đề xuất, chuẩn bị các dự án mới, chưa có hiệp định vay nào được ký kết. Tổng vốn vay dự kiến cho các dự án mới đang chuẩn bị khoảng 2 tỷ USD, vốn không hoàn lại khoảng 58 triệu USD, vốn đối ứng khoảng 478 triệu USD. Trong đó, có 5 dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án, với tổng số vốn vay khoảng 750 triệu USD. 
 
Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang có 112 dự án đang thực hiện (phê duyệt từ năm 2016 đến nay), với tổng số vốn không hoàn lại khoảng 300 triệu USD. Hiện đang tiến hành thủ tục phê duyệt tiếp 32 dự án, với tổng vốn viện trợ khoảng 9 triệu USD.
 

 

 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và không còn được hưởng mức lãi suất thấp, số lượng dự án và giá trị nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp giảm đi rõ rệt. Đối với Bộ NN&PTNT, kể từ năm 2019 đến nay, chưa có dự án vốn vay ODA mới nào được đàm phán, ký kết.

“Để tiếp tục huy động, phát huy những lợi thế về tri thức, kinh nghiệm, sáng kiến và nguồn lực của quốc tế hỗ trợ ngành thực hiện những mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ - TTg, ngày 28/1/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị ngày hôm nay với sự tham dự của đông đảo các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế để chia sẻ định hướng, nhu cầu của ngành, của Bộ và nắm bắt định hướng, quán tâm ưu tiên của các đối tác. Từ đó, xác định, điều phối các kế hoạch hợp tác cụ thể trong thời gian đến”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODA. Trong đó, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) Mariam Sherman cho rằng, nhu cầu về vốn vay ODA của Việt Nam còn rất lớn. Nguồn vốn này không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà còn đầu tư vào những “phần mềm” như đào tạo, tập huấn kỹ thuật, tăng cường năng lực. Vì vậy, WB mong muốn, có thể hỗ trợ một gói đồng bộ, cả phần cứng lẫn phần mềm. Cách tiếp cận, hỗ trợ toàn diện, tổng thể như vậy sẽ là hình mẫu để WB triển khai các dự án ODA giai đoạn 2026 - 2030. Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) Shantanu Chakrabory cũng bày tỏ sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy sinh kế ở nông thôn và giải quyết các vấn đề về suy thoái đất, cải tạo đất,…

Tin, ảnh: Ý THU
Xuất bản lúc: 15:51, 06/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.