Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh chủ trì Tổ thảo luận số 4. |
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khoá XXI xác định chủ đề Đại hội là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, tiềm lực văn hóa, tinh thần con người Quảng Ngãi; tăng trưởng xanh, đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Phương châm Đại hội là "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển". Báo cáo gồm 42 trang và chia thành hai phần. Phần thứ nhất là kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Phần thứ hai là quan điểm phát triển, mục tiêu, chỉ tiêu và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trong đó, xác định 27 chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá.
Về các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2025-2030, Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, chỉ tiêu xã nông thôn mới đến năm 2030 có 131 xã và 66 xã nông thôn mới nâng cao là quá cao, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tỉnh nên nghiên cứu điều chỉnh số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2030 là 116 xã và 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vì hiện nay đã có lộ trình thực hiện cho mục tiêu này.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Đồng nêu ý kiến tại buổi thảo luận |
Về nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2030, TP.Quảng Ngãi đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại I, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng cho rằng, hiện nay TP.Quảng Ngãi chỉ đạt 1 trong 5 nhóm tiêu chí cơ bản của đô thị loại I là về lao động phi nông nghiệp, còn các tiêu chí khác đạt rất thấp.
Trong khi đó, không gian hiện tại của TP.Quảng Ngãi không thể lên đô thị loại 1, vì chưa đáp ứng quy mô dân số, hạ tầng, cơ cấu nền kinh tế,… Để đạt mục tiêu này, tỉnh cần có Đề án phát triển TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị loại 1. Khi có đề án thì mới xác lập về không gian, về quy mô, về tính chất và các bước đi để triển khai thực hiện.
Đồng chí Ngô Văn Trọng cũng đề nghị bổ sung ở Trang 32, mục 1.4 có đề cập “tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên và môi trường” cần bổ sung thêm lĩnh vực quy hoạch – xây dựng. Vì một đô thị văn minh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến đời sống của mình thì quy hoạch đô thị phải được cập nhật, số hóa. Điều này rất quan trọng đối với người dân đô thị.
Đối với nhiệm vụ đột phá, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho rằng, đột phá phải là một điểm cụ thể, không chung chung và không bao hàm được. Báo cáo cần ghi rõ là “nên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là đô thị Quảng Ngãi” thì mới có khả năng làm được. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, tỉnh cần nâng cấp tài nguyên hiện có và tạo tài nguyên du lịch mới.
Đồng chí Nguyễn Minh Trí cũng đề nghị Tiểu ban Văn kiện nên cân nhắc việc Lập hồ sơ Di tích khảo cổ hồ sơ Văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận Di sản thế giới, nên xem nội dung này làm được hay không, vì đây là nhiệm vụ cực kỳ thách thức. Bởi hiện nay, loại hình để UNESCO công nhận Di sản thế giới khó nhất là loại hình di sản văn hóá, vì phải đảm bảo hai tiêu chí là toàn vẹn và nguyên gốc, chúng ta phải chứng minh là cực kỳ khó và rất tốn nguồn lực để làm.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Văn Đồng cũng đề nghị làm rõ thêm nội dung liên quan đến chuỗi sản xuất đã hiệu quả chưa, liên hệ lại vai trò trách nhiệm, tổ chức thực hiện của cơ quan nhà nước. Dự thảo báo cáo cần đánh giá phát triển đô thị ở một số địa phương, nhất là đầu tư cho đô thị đã hiệu quả chưa, vì theo lộ trình Bình Sơn trở thành thị xã vào cuối năm 2025 là không khả thi.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí cũng đề nghị Tổ thư ký tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý đối với từng nội dung. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tổng hợp ý kiến của 4 tổ để xem xét, chỉ đạo bổ sung dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030 được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn, bố cục chặt chẽ hơn; các định hướng, nhiệm vụ phải rõ ràng trước khi lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Tin, ảnh: THANH THUẬN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: