Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Giáo dục và Đào tạo

06:16, 06/12/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với nhà giáo và học sinh… được cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo phản ánh, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh với kỳ vọng sớm được giải quyết thỏa đáng.

Chiều 5/12, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, gồm: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với ngành Giáo dục và Đào tạo.

Dự buổi tiếp xúc có Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi tại buổi tiếp xúc.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao đổi tại buổi tiếp xúc.

Tại buổi tiếp xúc, sau nghe báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua và một số thông tin liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo, cử tri góp ý về một số điều, khoản trong dự thảo Luật; kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách trong hoạt động chuyên môn với Đoàn ĐBQH tỉnh.

Cử tri bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo, cũng như các nội dung quy định tại dự thảo Luật. Liên quan quy định về tuyển dụng nhà giáo, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, giữ nguyên phương thức tuyển dụng “Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn một trong ba hình thức thi: Vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết”; xem xét, quy định cụ thể về điều kiện đặc cách; xem xét việc tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài cho cở sở giáo dục công lập hay cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét quy định thời gian nhà giáo được thuyên chuyển công tác sau khi hết thời gian tập sự. Cử tri cũng góp ý các quy định về nhà giáo dạy liên trường, liên cấp trong cơ sở giáo dục công lập; chế độ làm việc của nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo…

Cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc.
Cử tri kiến nghị tại buổi tiếp xúc.

Kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri cho rằng, hiện nay, trên địa bàn 5 huyện miền núi của tỉnh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên việc thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là cần thiết và được triển khai ngay từ bậc học mầm non. Tuy nhiên, tại Điều 9, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chỉ giáo viên mầm non dạy tại các điểm trường lẻ được hưởng chế độ dạy tăng cường tiếng Việt. 

Cử tri kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số tại điểm trường chính. 

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe ý kiến cử tri.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe ý kiến cử tri.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; trong khi đó sinh viên sư phạm phải thực hiện thi tuyển hoặc xét tuyển để trở thành nhà giáo theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP và Nghị định 85/2023/NĐ-CP; do đó, trường hợp sinh viên sư phạm không đậu kỳ thi tuyển dụng thì việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ gặp khó khăn. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ nên có sửa đổi, bổ sung để có sự đồng bộ về chính sách và việc tuyển dụng viên chức.

Cử tri cũng đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn của các địa phương khi tuyển dụng giáo viên để đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp theo quy định hiện hành, sử dụng đủ chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời, không quy định tỉ lệ biên chế thực hiện tinh giản hằng năm đối với ngành giáo dục.

Những vướng mắc về cơ chế, chính sách của ngành Giáo dục và Đào tạo được cử tri nêu ra và kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh.
Những vướng mắc về cơ chế, chính sách của ngành Giáo dục và Đào tạo được cử tri nêu ra và kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh.

Đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét có chính sách đối với đội ngũ nhân viên công tác tại các cơ sở giáo dục công lập; viên chức là nhà giáo được điều động về công tác tại các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT (không phải là nhà giáo). Bởi vì, với chính sách như hiện nay, việc điều động, thu hút nhà giáo về công tác tại các Phòng, Sở GD&ĐT gặp khó khăn.

Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc, các ĐBQH và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh trả lời, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao đổi tại buổi tiếp xúc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy trao đổi tại buổi tiếp xúc.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đã trao đổi thêm những nội dung mà cử tri quan tâm về một số quy định chế độ, chính sách đối với nhà giáo và học sinh; vấn đề liên quan quan đến chính sách, quy định cũng như định hướng của Quốc hội về vấn đề GĐ&ĐT trong thời gian tới.

Đối với các ý kiến kiến nghị tại buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầu đủ, chuyển tới các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của cử tri đối với dự thảo Luật Nhà giáo. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, tổng hợp các góp ý của cử tri để chuyển tới Quốc hội, các cấp, ngành xem xét trong quá trình hoàn thiện dự án Luật. Qua đó, tạo động lực xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo yên tâm, trách nhiệm gắn bó với nghề.

Tin, ảnh: N.ĐỨC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 06:16, 06/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.