Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Đại biểu Lương Văn Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: C.HIỀN |
Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Lương Văn Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi quy định về số lượng thành viên đoàn giám sát nêu tại khoản 1 Điều 52 Luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề của các đoàn ĐBQH tại địa phương; không nên quy định cứng về số ĐBQH tối thiểu để thành lập đoàn giám sát.
Tại khoản 1 Điều 62 Luật hiện hành, đề nghị xem xét bổ sung và sửa thành: 1. Căn cứ chương trình giám sát, HĐND ban hành nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực HĐND. Nghị quyết của HĐND về việc thành lập đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian xem xét báo cáo giám sát của đoàn giám sát, thành phần đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Đoàn giám sát do Chủ tịch HĐND hoặc Phó Chủ tịch HĐND làm trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Thường trực HĐND, đại diện Ban của HĐND và một số đại biểu HĐND. Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan chuyên môn, các chuyên gia được mời tham gia đoàn giám sát.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng, quy định về giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND (Điều 72 Luật hiện hành) đề nghị bổ sung và sửa thành “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm,…”.
Tại Điều 89 Luật hiện hành đề nghị nghị bổ sung vào dự thảo luật sửa đổi quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm, hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH và HĐND; quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND dân năm 2015 có các cụm từ tại nhiều điều, khoản chỉ mang tính chất định tính mà không giải thích cụ thể về định lượng. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về định lượng vào dự thảo Luật sửa đổi để xác định trường hợp, phạm vi, đối tượng, tính chất khi thực hiện hoạt động giám sát nhằm thống nhất cách hiểu, nguyên tắc áp dụng, tránh việc áp dụng tùy nghi trong thực tiễn.
PV