Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận, góp ý các dự án luật

18:10, 23/11/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Các ĐBQH cho rằng, trước đây doanh nghiệp Nhà nước chủ yếu do các bộ quản lý. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý và có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
 
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11/2024, Quốc hội thảo luận tại Tổ góp ý dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Công nghiệp công nghệ số (CNCNS). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy chủ trì buổi thảo luận.
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: C.HIỀN
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: C.HIỀN

Góp ý đối với dự án Luật CNCNS, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương cho rằng, đây là luật chuyên ngành, lĩnh vực chuyên sâu về CNS, nội hàm mang tính chuyên môn, đặc thù và hội nhập quốc tế cao. Vì vậy, quy định về giải thích thuật ngữ trong dự án Luật đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đúng đối tượng áp dụng và hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật liên quan.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật: “1. Công nghệ số (CNS) bao gồm công nghệ thông tin và các CNS thế hệ mới...”, trong khi đó khoản 11 Điều 71 “Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Công nghệ cao (CNC) như sau: “Công nghệ thông tin, CNS,” theo đó CNS là một trong những lĩnh vực CNC được đầu tư phát triển. Như vậy đã tách biệt công nghệ thông tin, CNS là hai thuật ngữ khác nhau là chưa thống nhất. Do đó, cần quy định rõ nội hàm của khái niệm CNS, phân định rõ mối quan hệ giữa CNS với công nghệ thông tin và CNC. Trên cơ sở đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật nhằm đảm bảo không có sự trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của các Luật liên quan.
 
Đại biểu Hương cũng đề nghị cần cụ thể hóa hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động CNCNS thay vì quy định chung chung, không rõ ràng, khó thực hiện trong quá trình thực thi Luật. Cần nghiên cứu, bổ sung các hành vi nghiêm cấm mang tính đặc thù về sở hữu trí tuệ trong phát triển, cung cấp và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) theo hướng quy định cấm việc sử dụng các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà không xin phép; cấm sử dụng hình ảnh nhận dạng (sinh trắc học), giọng nói cá nhân mà không xin phép.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: C.HIỀN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: C.HIỀN

Góp ý dự thảo Luật Quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước trước đây chủ yếu do các bộ quản lý. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý và có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiến hành tính toán, đánh giá lại để tìm ra mô hình quản lý phù hợp, đảm bảo tính rõ ràng, hiệu quả và nhất quán trong cơ chế quản lý. Đồng thời, cần xây dựng các phương án hợp lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước có quyền tự chủ cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 
Xuất bản lúc: 18:10, 23/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.