Chiều 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: V.Tân |
Tại phiên chất vấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT. Theo đó, đại biểu Hương đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã có kế hoạch gì để khắc phục tình trạng sự cố cáp quang biển xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến kết nối Internet quốc tế và gây gián đoạn cho người dùng mạng. Khi có sự cố, Bộ đã có giải pháp nào nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho việc kết nối quốc tế, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ Internet ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển và 2 tuyến cáp quang quốc tế trên đất liền. Năm 2022, có lúc cả 5 tuyến cáp quang biển bị ảnh hưởng và chỉ còn lại 40% dung lượng nên ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ Internet khá đáng kể. Một trong những lý do là cả 5 tuyến này của Việt Nam đều đi một hướng qua Biển Đông. Đối với Việt Nam thì 5 tuyến cáp quang biển vẫn là ít. Ví dụ như Thái Lan hiện nay họ có 8 tuyến; Philippines có đến 17 tuyến.
Đến quý I/2025 Việt Nam sẽ đưa thêm được 2 tuyến nữa vào vận hành khai thác. Bộ TT&TT đã ban hành chiến lược về cáp quang biển đến năm 2030, theo đó sẽ tăng lên thành 15 tuyến cáp quang quốc tế, dung lượng tăng 10 lần hiện nay. Việt Nam cũng sẽ có tuyến nối với Nhật Bản, Mỹ và không đi qua Biển Đông để đa dạng hóa hướng tuyến. Trong đó, một số tuyến sẽ do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư.
Việc đa dạng hóa các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà lắp đặt để đến lúc gặp sự cố, hỏng hóc thì Việt Nam có rất nhiều công ty sửa chữa và không phụ thuộc vào một đơn vị. Việc đầu tư cho 2 tuyến cáp quang trên đất liền đảm bảo ít nhất là được 20% dung lượng để khi cáp quang biển quốc tế gặp sự cố thì có cáp quang đất liền bù vào. Chiến lược này sẽ được điều chỉnh theo thực tế để khi thấy cần thiết thì có thể bổ sung thêm các tuyến cáp quang.
PV