Góp ý tại buổi thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: V.TÂN |
Về sự tương thích, phù hợp của dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đại biểu An đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều ước quốc tế có liên quan đến quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của con người, trong đó có các cam kết tại các điều ước quốc tế có liên quan để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Mặt khác, để đảm bảo việc huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ không dẫn đến hệ lụy về lợi dụng chính sách, cài cắm lợi ích thì cần bổ sung các quy định chặt chẽ về việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ khi kèm điều kiện từ nhà tài trợ; quy định trách nhiệm công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ.
Để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định có liên quan tại Luật Tiếp cận thông tin và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như quy định về thời điểm, nội dung, hình thức và trách nhiệm trong việc công bố quy hoạch, từ đó nghiên cứu quy định bổ sung các nội dung này hoặc dẫn chiếu đến các quy định của 2 Luật trên.
B.SƠN - V.TÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: